Bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, cho biết nhiễm H.pylori là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày, bên cạnh các yếu tố nguy cơ khác như giới tính nam, hút thuốc lá, uống rượu bia, tiền sử gia đình…
Bài tập thở để đẩy lùi triệu chứng khó chịu
Theo bác sĩ Ngân, ở những người bị viêm dạ dày do HP, có triệu chứng đầy hơi khó tiêu sau ăn, có thể kết hợp một số bài tập thở và tư thế như sau:
– Hít bụng thở ngực: Người bệnh ngồi thẳng lưng hoặc nằm ngửa, hít vào bằng đường mũi, đồng thời phình bụng lên và sau đó thở ra bằng đường miệng thì bụng sẽ xẹp xuống. Có thể kết hợp với bài tập thở 4 thời như sau:
Thời 1: Hít vào, đều, sâu, tối đa, ngực nở, bụng phình và cứng. Thời gian 1/4 hơi thở “hít ngực bụng nở” 4 giây hoặc 6 giây, “hít vào, ngực nở, bụng căng”.
Thời 2: Giữ hơi, cơ hoành và các cơ lồng ngực đều co thắt tối đa, thanh quản mở, giơ chân. Thời gian 1/4 hơi thở, rồi để chân xuống “giữ hơi hít thêm” 4 giây hoặc 6 giây, “giữ hơi cố gắng hít thêm”.
Thời 3: Thở ra thoải mái tự nhiên, không kìm, không thúc; thời gian 1/4 hơi thở “thở không kìm thúc” 4 giây hoặc 6 giây; “thở ra, không kìm, không thúc”.
Thời 4: Thư giãn hoàn toàn, có cảm giác nặng và ấm. Trong đầu nhẩm cụm từ “Tay chân tôi nặng và ấm, toàn thân tôi nặng và ấm”. Thời gian 1/4 hơi thở “nghỉ thời nặng ấm” 4 giây hoặc 6 giây; “nghỉ thời; nặng, ấm tay chân”.
Tập hít bụng thở ngực giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Lưu ý không nên tập lúc quá no.
– Thở lửa: Động tác này chủ yếu hỗ trợ hệ hô hấp và giúp tinh thần tỉnh táo, giảm mệt mỏi buồn ngủ. Công dụng trên hệ tiêu hóa chủ yếu thông qua việc co cơ bụng khi hít.
Cách thực hiện: Ngồi xếp bằng, giữ lưng thẳng, vai và eo thẳng. Hít vào thật sâu, phình bụng lên sau đó thở ra thật mạnh bằng mũi và co cơ bụng. Lặp lại vài lần để luyện tập. Tiếp tục tăng tốc độ hít vào và thở ra trong khoảng 30 giây.
“Đối với người mới bắt đầu tập, động tác thở lửa sẽ có thể khiến người tập choáng váng, xây xẩm nhẹ. Vì vậy cần tập vài lần vừa sức, trước khi tăng tốc độ hít vào thở ra” – bác sĩ Ngân lưu ý.
– Tư thế xả hơi: Đây là tư thế yoga có tác dụng tốt để hỗ trợ điều trị vấn đề loét dạ dày do giúp cơ thể loại bỏ khí dư thừa có thể tích tụ trong dạ dày và gây cảm giác khó chịu.
Cách thực hiện: Nằm thẳng trên thảm, gập đầu gối, vòng tay ôm đầu gối và giữ nguyên tư thế một lúc. Hít vào và thở ra thật sâu.
– Tư thế nâng chân: Có tác dụng giúp tăng cường sức mạnh cho cơ bụng.
Cách thực hiện: Nằm ngửa trên thảm, đặt lòng bàn tay xuống sàn, bên dưới hông. Sau đó, từ từ nâng chân lên, giữ chân ở góc 30 độ so với sàn và đếm đến 5. Tiếp tục nâng chân lên một chút nữa, sao cho ở góc 60 độ so với sàn, giữ trong năm giây.
Cuối cùng, dừng lại ở góc 90 độ cho đến khi hai chân vuông góc với cơ thể. Khi hạ chân xuống, duy trì động tác tương tự theo chiều ngược lại, giữ chân ở góc 90 độ, 60 độ và 30 độ. Trong suốt quá trình thực hiện tư thế này, cố gắng không uốn cong đầu gối.
Xoa bóp, massage
– Xoa trung tiêu: Người thực hiện nắm tay thuận lại, tay còn lại úp lên trên. Tiến hành xoa bóp quanh rốn khoảng 10-20 lần theo hình tròn sau đó tiếp tục xoa ngược chiều lại khoảng 10-20 lần.
– Day ấn nhẹ nhàng các huyệt: Tác dụng hành khí kiện vận, trợ giúp tiêu hóa của tỳ vị.
Các huyệt bao gồm thượng quản (cách rốn 5 thốn – đơn vị đo chiều dài sinh học trên cơ thể mỗi con người), trung quản (cách rốn 4 thốn), hợp cốc (trên mu bàn tay, giữa ngón cái và ngón trỏ, cách bờ xương bàn ngón số hai 1 khoát ngón tay), túc tam lý (từ hõm dưới ngoài khớp gối xuống 3 thốn), thượng cự hư (huyệt dưới huyệt túc tam lý 1 thốn)…
Trường hợp người có triệu chứng viêm dạ dày do HP lâu ngày, ăn uống kém, chán ăn đầy hơi, người mệt mỏi hụt hơi không có sức (theo y học cổ truyền thường thấy trong các hội chứng tỳ vị khí hư hoặc tỳ dương hư), nên kết hợp với châm và hơ cứu ấm ở các huyệt có tác dụng bổ khí, và sử dụng thêm thuốc thảo dược để kiện tỳ trừ thấp trọc, hỗ trợ điều trị bệnh.
Bác sĩ Ngân lưu ý thêm, đối với các bài tập thở nên tập vào buổi sáng sớm hoặc vào cuối ngày trước khi ngủ, kết hợp tập thở và thư giãn cho toàn cơ thể. Khi tập các bài tập vận động thể lực cần lưu ý cách xa bữa ăn 1 – 2 giờ, tránh tập khi bụng quá no hoặc đang quá đói.
Ở trường hợp người bệnh đang đau dạ dày cấp, bên cạnh việc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh có thể kết hợp xoa trung tiêu, day ấn nhẹ nhàng các huyệt như trên để tác động vào kinh lạc của tỳ vị.
Trường hợp đang đau dạ dày cấp thì không nên vận động mạnh, cần nghỉ ngơi và ăn uống thức ăn ít dầu mỡ, dễ tiêu hóa.
Cần lưu ý khi đi lại vận động sau bữa ăn có nguy cơ làm tăng mức độ trào ngược dạ dày – thực quản. Vì vậy, người bệnh nhiễm vi khuẩn HP cần nghỉ ngơi sau ăn khoảng 30 phút, cũng như tránh ăn quá no trước khi vận động thể lực.
Vai trò của tập luyện với người nhiễm vi khuẩn HP
Tăng cường sức khỏe: Các khuyến cáo tham gia hoạt động thể chất cường độ vừa phải như đi bộ nhanh, chạy bộ, bơi lội, tập với dụng cụ… tối thiểu 150 phút mỗi tuần hoặc 75 phút mỗi tuần với cường độ mạnh sẽ có lợi cho một cuộc sống khỏe mạnh.
Giảm nguy cơ mắc ung thư: Một nghiên cứu về mối liên quan giữa hoạt động thể chất và giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày trên dân số Hàn Quốc vào năm 2018 cho thấy mức hoạt động thể chất cao có liên quan đến việc giảm đáng kể về rủi ro của ung thư dạ dày đối với toàn bộ dân số trong nghiên cứu.
Trong quá trình điều trị HP, người bệnh cần đặc biệt quan tâm đến quá trình ăn uống. Ngoài đảm bảo các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, người bệnh nên bổ sung các thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa và có khả năng chống lại vi khuẩn như rau, củ, quả; thực phẩm chứa lợi khuẩn…
Nên hạn chế một số thực phẩm có hại, làm nặng thêm các triệu chứng viêm loét dạ dày như: đồ ăn cay nóng, đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ, đồ ăn chứa nhiều axit, rượu, bia, cà phê, nước uống có gas, chất kích thích.