Trước đó, năm 2023, do thiếu vắc xin gần trọn năm nên năm 2024 ghi nhận sự trở lại của nhiều loại dịch bệnh. Đã có 4 tỉnh (Hà Giang, Nghệ An, Bắc Giang, Thanh Hóa) ghi nhận ca bệnh bạch hầu, 2 người tử vong. Với ho gà, các tháng đầu 2024 số mắc tăng 6,8 lần so với cùng kỳ.
Với bệnh sởi, thời điểm hiện nay đang bùng mạnh tại TP.HCM, số mắc tăng nhiều lần so với cùng kỳ, trong tháng 6 đã có trẻ mắc sởi có kèm bệnh nền tử vong.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một chuyên gia của Bộ Y tế nhận xét dịch gia tăng cần nhìn nhận ở nhiều yếu tố, trong đó có việc số ca mắc tăng trên phạm vi toàn cầu.
“Yếu tố nữa là giao lưu đi lại mang theo mầm bệnh trước đây chưa tính tới, bên cạnh đó là yếu tố mùa dịch, 10 năm trở lại đây dịch sởi lớn đã xuất hiện hai lần vào 2014 và 2019. Năm 2024, số mắc sởi và nhiều bệnh tăng, có dấu hiệu chu kỳ dịch” – chuyên gia này nhận định.
Nhưng không thể không tính đến vai trò của vắc xin. Điều dễ nhận thấy là dịch thường xảy ra vào năm liền kề sau của năm thiếu vắc xin, hoặc năm tỉ lệ tiêm chủng xuống thấp. Năm 2013, sau 3 ca tử vong do tiêm nhầm vắc xin tại Quảng Trị và một số tai biến sau tiêm vắc xin “5 trong 1” (khi đó sử dụng Quinvaxem), tỉ lệ tiêm chủng nhiều vắc xin giảm thấp.
Và thực tế dịch sởi đã xảy ra rất mạnh vào năm 2014, có thể coi là dịch sởi mạnh nhất trong khoảng 20 năm trở lại đây.
Năm 2024 này cũng có những dấu hiệu tương tự, sau khi vắc xin rất thiếu vào năm2023. Sau dịch COVID-19, nhu cầu và thói quen tiêm chủng đã khác trước rất nhiều, nhưng lúc này lý do tỉ lệ tiêm ngừa giảm thấp là do cơ chế dẫn đến thiếu vắc xin: trước tháng 7-2023 giao địa phương tự mua vắc xin theo quy chế mới và không địa phương nào tự mua.
Sau thời gian dài chờ đợi, tháng 7-2023 Thủ tướng đã giao lại việc mua sắm vắc xin tiêm chủng mở rộng về Bộ Y tế như trước. Lúc này, một rắc rối pháp lý khác xuất hiện: do giá vắc xin đã quá lạc hậu và phải xây dựng giá mới, việc thẩm định giá và mua sắm đấu thầu đến cuối năm 2023 mới xong.
Thực tế đến đầu năm 2024 vắc xin mới được cấp phát về địa phương và tỉ lệ tiêm chủng năm 2023 đạt thấp, số trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm có vắc xin ngừa lại gia tăng.
Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, hiện có đủ các vắc xin cấp cho các địa phương tiêm phòng theo kế hoạch đến năm 2025. Chương trình (trực thuộc Bộ Y tế) sẽ là đầu mối mua sắm vắc xin và dự báo không xảy ra thiếu vắc xin kéo dài như năm 2023.
Có ý kiến nhận xét tuy hầu hết vắc xin sử dụng trong tiêm chủng mở rộng như sởi, “3 trong 1” (DPT), sắp tới là vắc xin ngừa vi rút rota do Việt Nam sản xuất, quy trình mua sắm đã có, nhưng vắc xin ngoại như “5 trong 1”, xa hơn nữa là vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung, sẽ phải đàm phán giá, thủ tục có thể sẽ khó hơn, không loại trừ xảy ra chậm trễ mua sắm và thiếu hụt tại một thời điểm nào đó.
Nếu thiếu vắc xin do sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng như hồi dịch COVID-19 thì đành chịu, nhưng năm 2023 tiền dành mua vắc xin đã có sẵn, thiếu vắc xin vì cơ chế chính sách bùng nhùng, nay xảy ra dịch là điều khó chấp nhận.
Những hệ luỵ do thiếu vắc xin đã rõ, và điều các cấp các ngành cần làm là không thể để xảy ra một vụ việc tương tự. Dịch bệnh ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của mọi gia đình, không thể để những chậm trễ chính sách dẫn đến thiếu vắc xin.
So với nhiều quốc gia xung quanh, Việt Nam có số vắc xin sử dụng tiêm chủng mở rộng ít hơn, đã ít lại còn thiếu, nhiều gia đình sẽ khó có cơ hội phòng bệnh cho con em họ.