Ngày 30-9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức hội thảo góp ý dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Hưởng quyền lợi theo thời gian đóng bảo hiểm y tế
Đại diện Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết với bảo hiểm y tế (BHYT) có người đóng nhiều năm, người đóng ít năm, dẫn đến việc nhiều người sẽ than phiền đóng trong thời gian dài nhưng lúc bệnh lại được hưởng giống như người mới đóng.
Do vậy, BHYT nên xem xét thời gian đóng của mỗi người, như thời gian đóng từ 5-10 năm, hoặc hơn có thể hưởng chi phí BHYT cao hơn.
Bên cạnh đó, nhiều người làm trong doanh nghiệp, nhà nước có khả năng đóng mức BHYT cao hơn so với quy định, vậy BHYT có nên tạo điều kiện cho họ đóng cao hơn để họ được quyền lợi nhiều hơn.
Ngoài ra, giám định BHYT để thanh toán khám chữa bệnh hay dựa vào phác đồ của Bộ Y tế, nhưng một số phác đồ chưa cập nhật kịp với các phác đồ mới, do vậy BHYT cần phải xem xét lại.
Ông Nguyễn Anh Dũng – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho hay cần bổ sung thêm việc thanh toán BHYT khi chuyển thuốc và vật tư giữa các cơ sở y tế để đáp ứng trong nhu cầu khám chữa bệnh trong điều kiện cấp cứu.
Ngành y tế TP.HCM đã tạo ra ứng dụng tra cứu thuốc cấp cứu giữa các cơ sở y tế để liên hệ sử dụng thuốc trong tình huống khó khăn, kịp thời điều trị cho người bệnh.
Ông Dũng cũng đề nghị BHYT chi trả cho các trường hợp cấp cứu ngoài bệnh viện.
Hiện hệ thống Cấp cứu 115 đã phủ sóng khắp cả nước, việc thanh toán BHYT là nhu cầu cần thiết. Các trường hợp ngưng tim, ngưng thở, đột quỵ, tai nạn cần được thanh toán BHYT để hệ thống cấp cứu phát triển bền vững.
Phải có chế độ bảo hiểm y tế cho nhóm yếu thế
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng – phó giám đốc BHXH TP.HCM – đề nghị bổ sung với người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên được cấp BHYT do ngân sách nhà nước hỗ trợ. Hiện người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên đã được hưởng trợ cấp hàng tháng, cấp thẻ BHYT.
Thế nhưng, nhóm từ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi là nhóm yếu thế của xã hội cần được quan tâm, do vậy cần được hỗ trợ cấp thẻ BHYT giảm bớt gánh nặng tài chính, rủi ro bệnh tật.
Theo thống kê, hiện có khoảng 17 triệu người cao tuổi, trong đó hơn 14 triệu người đã tham gia BHYT, còn khoảng 2,4 triệu người cao tuổi dưới 80 tuổi thuộc nhóm yếu thế chưa được tham gia BHYT.
TP.HCM chưa có chính sách cho những người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên được cấp thẻ BHYT, một số địa phương đã hỗ trợ cấp thẻ cho nhóm này từ nguồn ngân sách địa phương.
Bà Hằng cũng cho biết hàng năm có khoảng 300.000 người thoát nghèo, đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng tối thiểu 70% BHYT cho các hộ vừa ra khỏi cận nghèo.
Bà Phan Nguyễn Thanh Vân – phó hiệu trưởng trường ĐH y khoa Phạm Ngọc Thạch – đề xuất với nhóm lao động tự do nên để họ tham gia BHYT theo hộ gia đình tại nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú. Nếu để họ về nơi đăng ký thường trú để đăng ký sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đang được nhiều người quan tâm, dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024).
Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật…