Bạn đọc cho rằng nên có những chính sách thiết thực để giảm tải bệnh viện, đơn giản hóa thủ tục khám bệnh, đẩy mạnh chuyển đổi số để người dân bớt vất vả.
Đi lúc 1h sáng, về 13h, người già không chịu nổi
Theo anh Trần Mỹ, ba mẹ và anh đều đã có những lần chờ đợi bốc số khám bệnh khuya khoắt này. “Mới 4h sáng các bệnh viện đã đông nghẹt người. Ở Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, bệnh nhân còn phải ngồi tràn ra kín cả sân ngoài”, anh viết.
Còn bạn đọc V.M.T. cho biết: “Ba mẹ tôi 74 tuổi khám chữa bệnh mãn tính định kỳ tại bệnh viện hằng tháng. Lên xe lúc 1h sáng và về nhà lúc 13h, thật sự sức khỏe người già chịu không nổi”.
Thường chăm nuôi người bệnh cao tuổi cấp cứu, điều trị nhiều bệnh mãn tính tại bệnh viện, bạn đọc có số điện thoại 0916… chia sẻ bản thân đã quen dần với cảnh canh thức suốt đêm, ngủ ngồi, vạ vật chờ đẩy người thân đi chiếu chụp, xét nghiệm, đóng tiền tạm ứng, nhập khoa điều trị…
“Thế nhưng xem ảnh đăng báo vẫn sởn gáy vì thông tin, hình ảnh rất thực tế”, bạn đọc này chia sẻ. Chị Hanh Le bày tỏ: “Tôi cũng từng trải cảnh vô cùng vật vã như thế này để được khám bệnh, đặc biệt là tại các bệnh viện lớn”.
Anh Duy Phương nêu ý kiến: “Đọc mà thương cho người dân còn quá vất vả trong khâu khám chữa bệnh. Nếu chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ở các tỉnh và ở thành phố lớn đồng đều thì sẽ hạn chế được cảnh khổ sở mệt mỏi này”.
Anh Phương cho rằng cần có những chính sách thiết thực, nhanh và gọn để giải quyết cho người dân. Mong các cơ quan hữu quan “nói được làm được, sớm có biện pháp giúp dân”, đầu tiên là đơn giản hóa thủ tục khám bệnh.
Bày tỏ đồng cảm, bạn đọc N.V.T. viết: “Rất bất cập cho cả người bệnh và ngành y tế. Rất dễ để đánh giá thực trạng này có nguyên nhân từ đâu và giải pháp như thế nào. Xin đừng xem đây là chuyện bình thường”.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới
Phân tích vấn đề, bạn đọc Ba cho rằng bệnh viện tuyến trên đảm bảo chất lượng khám và điều trị, máy móc hiện đại… Vì vậy bà con ở khắp nơi mới phải vất vả lên tuyến trên như vậy. “Nếu tuyến dưới mà được trang bị những điều kiện trên thì đâu có cảnh này”, bạn đọc này viết.
Theo anh Đại Nam, ngành y tế địa phương cần bố trí đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại.
Còn anh Tiến viết: “Nếu bệnh viện tuyến dưới được trang bị và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thì người dân ít phải lên TP.HCM khám bệnh. Vừa tiết kiệm cho họ, vừa tăng thu nhập, nâng cao tay nghề cho bác sĩ tại quê nhà”.
“Bệnh viện tuyến trên thì quá tải, bệnh viện tuyến tỉnh thì hoạt động không hết công suất giường bệnh. Điều này gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của người bệnh vì đi vượt tuyến.
Thay vào đó, hãy đầu tư bài bản bệnh viện tuyến tỉnh về con người, cơ sở vật chất, chuyển giao kỹ thuật có cam kết”, bạn đọc Hưng đề xuất.
Ở góc nhìn khác, bạn đọc Benz lý giải tình hình chờ đợi khám bệnh lâu do quá tải này xuất phát từ nhiều khâu, nhiều bước khám chữa bệnh, nhất là công nghệ số trong quản lý bệnh nhân và quản lý thông tin bệnh lý…
“Đồng thời, các cơ sở y tế thường không thừa nhận kết quả lâm sàng hay xét nghiệm của nhau. Bệnh nhân khi đến mỗi nơi phải khai lại thông tin cũ mà đúng ra công nghệ thông tin giải quyết vài giây là xong”, bạn đọc này chia sẻ.
Từ đó, bạn đọc Benz đề xuất cần xây dựng ngay một hệ thống thống nhất dữ liệu. Đặc biệt tạo niềm tin ở bệnh nhân để họ đi khám bệnh tại địa phương các bệnh lý thông thường.
Bạn đọc Dương cho rằng bệnh viện tuyến tỉnh có cơ sở khang trang nhưng còn hạn chế về thái độ phục vụ và chuyên môn, nên bản thân “buộc lòng phải vượt đường xa đưa người nhà đến TP.HCM khám chữa bệnh, rất tốn kém và bất tiện”.
Đơn giản thủ tục khám bệnh
Theo bạn đọc An Lý, để giảm tình trạng người dân phải vất vả bốc số thứ tự từ nửa đêm, các bệnh viện cần đơn giản thủ tục khám bệnh.
Bạn đọc này chia sẻ: “Theo tôi, hiện nay quy trình khám bệnh quá nhiều thủ tục. Ví dụ như lấy số thứ tự, mua sổ, điền thông tin, chờ đóng phí khám bệnh, chờ vào phòng khám.
Bác sĩ khám, chẩn đoán, nếu có vấn đề gì thì phải xét nghiệm, chờ kết quả xét nghiệm, rồi quay ngược lại phòng khám của bác sĩ để được chẩn đoán, đưa đơn thuốc, nộp đơn thuốc, đóng tiền, chờ lấy thuốc”.
Do đó làm sao rút ngắn những thủ tục rườm rà, giảm bớt thời gian chờ đợi cho bệnh nhân.
“Thiết kế những trụ điện tử, bà con đến chỉ cần bấm nút hoặc quét mã QR (từ sổ khám lần trước) là nhận giấy báo số thứ tự, thời gian khám bệnh… Sau đó họ có thể tìm chỗ nghỉ ngơi. Chứ vật vạ xếp hàng, ngồi chờ rất khổ người bệnh”, anh Lưu Lân đề xuất giải pháp.