Lo ngại của bộ là đúng và về ngắn hạn chưa nên thực hiện chính sách này. Nhưng dài hạn, cần một lộ trình để đi đến một hệ thống cơ sở khám chữa bệnh theo mô hình mạng lưới (chứ không phải là cấp bậc hành chính) và người dân – khách hàng được lựa chọn nơi khám chữa bệnh phù hợp nhất cho mình.
Hệ thống y tế của Việt Nam hiện nay vẫn lấy bệnh viện công làm chủ đạo và bệnh viện công lại tổ chức theo cấp bậc trung ương – địa phương, tuyến trên – tuyến dưới. Trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ và quy mô đầu tư ngân sách giữa các cấp bởi vậy cũng khác nhau.
Cho nên bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến trên luôn có năng lực y tế cao hơn tuyến dưới. Nếu được lựa chọn, ai lại không chọn nơi có chất lượng cao hơn? Chuyện bệnh viện tuyến trên quá tải, tuyến dưới ngồi chơi khi bỏ giấy chuyển viện là hẳn nhiên.
Dù vậy về dài hạn nếu bộ trưởng và ngành y tế có chiến lược tổ chức lại hệ thống y tế quốc gia, để với mỗi người dân, “tờ giấy chuyển viện” lên tuyến trên là không còn cần thiết. Chiến lược đó gắn liền hai mục tiêu phát triển mạnh mẽ hệ thống y tế tư nhân và cân đối vai trò viện công – viện tư.
Thay vì phân cấp, phân tuyến, Bộ Y tế chỉ nắm một số bệnh viện đầu não, tập trung chuyên môn nghiên cứu y học công nghệ cao, gắn với đào tạo và chuyển giao kỹ thuật y khoa. Những bệnh viện thuần túy cho mục đích điều trị như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy… phải cắt giảm dần ngân sách đầu tư cho khám chữa bệnh.
Tất cả nhiệm vụ khám chữa bệnh thông thường do hệ thống y tế chung, gồm cả công và tư, đảm nhận. Triết lý như thế mới kích thích hệ thống y tế tư nhân phát triển.
Ví dụ hiện nay tỉ lệ công – tư là 80 – 20 thì cần lộ trình từng bước để y tế tư nhân phải đảm bảo được dần dần 70 – 30, 60 – 40, 50 – 50.
Và khi y tế tư nhân phát triển, vươn tới cả những vùng thu nhập thấp thì mới đủ sức phân bổ lại nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh đồng đều hơn giữa các địa phương.
Cũng phải nói rõ hiện nay việc củng cố hệ thống y tế cơ sở phục vụ nhu cầu chăm sóc người dân là mục tiêu tốt đẹp.
Nhưng cần ý thức rằng ngân sách đầu tư y tế cơ sở phải thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng nhất là làm những việc tư nhân không làm (phòng chống dịch, vệ sinh dịch tễ) và chăm lo cho những người dân ở vùng khó khăn, nông thôn, miền núi có địa lý cách trở.
Nói cách khác, y tế cơ sở không nên đầu tư dàn đều mà chỉ nên tập trung ở những địa phương nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, nơi viện tư không muốn “phủ” đến cũng như cho những nhóm người dân khó khăn cần có sự hỗ trợ.
Những khu vực thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải phòng… người dân ít khi cần ra phường khám chữa bệnh, đầu tư y tế cơ sở vì thế sẽ lãng phí.
Thách thức lớn nhất của Việt Nam trong các thập niên sắp tới là “già hóa dân số”, và theo đó, nhu cầu được chăm sóc sức khỏe chắc chắn sẽ trở thành áp lực ngày càng lớn. Một hệ thống y tế mạnh và bền vững cần có sự cân đối giữa công và tư.
Và quyền tự do lựa chọn nơi khám chữa bệnh phù hợp là nhu cầu xác đáng của công dân một đất nước phát triển vào năm 2045. Bộ trưởng Bộ Y tế, do đó, không chỉ lo ngắn hạn “vỡ trận” tuyến trên – tuyến dưới mà cần tầm nhìn và chiến lược dài hơi cho cả tương lai.