Liệu việc đấu thầu thuốc còn khó khăn hay còn do nguyên nhân nào khác?
Người dân vẫn phải mua thuốc ngoài
Nhiều người bệnh dù có bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng phải chạy đôn chạy đáo đi mua thuốc bên ngoài. Như trường hợp anh M. (quê Vĩnh Phúc), đang điều trị viêm phúc mạc, loét dạ dày, u gist ruột non tại một bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội, được bác sĩ đưa đơn thuốc và đề nghị tự mua.
Trong đó bao gồm thuốc acid amin – 20% loại 50ml (Albumin 20%, 50ml) và Acid amin + glucose + lipid + chất điện giải…
Cầm hóa đơn thanh toán trên tay, anh M. nói riêng hai loại thuốc này mua tại nhà thuốc ngoài bệnh viện đã có giá gần 5 triệu đồng. Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hai loại thuốc này đều có trong danh mục thuốc BHYT chi trả cụ thể trong một số trường hợp nhất định.
Mới đây, một bệnh nhân khác cũng phản ảnh với Tuổi Trẻ về việc phải đi mua dây truyền, ống đặt nội khí quản, bông gạc… khi điều trị tại bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn đang xảy ra rải rác ở một số bệnh viện.
Trao đổi với báo chí ngày 24-9, ông Hoàng Cương, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), cho hay qua phản ánh của một số phương tiện truyền thông đại chúng, Bộ Y tế có nắm được một số cơ sở y tế vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.
Ông Cương khẳng định việc thiếu xảy ra cục bộ, ở một số bệnh viện trong một số thời điểm nhất định. “Qua kiểm tra rà soát, chúng tôi thấy rằng có xảy ra tình trạng thiếu tại một số bệnh viện do nguyên nhân là trong đầu năm 2024, các bệnh viện mới áp dụng Luật Đấu thầu mới nên việc áp dụng còn chậm trễ.
Ngoài ra, một số gói thầu đưa ra những quy định chưa phù hợp với quy định về gói thầu dẫn đến hủy thầu. Về cơ bản công tác đảm bảo thuốc, vật tư trong khám chữa bệnh đang đáp ứng được nhu cầu”, ông Cương nhận định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội cũng cho hay tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế chủ yếu là do gián đoạn nguồn cung hoặc đang trong thời gian đấu thầu. Theo vị này, những bệnh viện tuyến cuối thường xuyên trong tình trạng quá tải, vì vậy có những hạng mục vượt dự trù dẫn đến bị gián đoạn.
“Có 6 cách xác định giá gói thầu, đối với một số thuốc đặc biệt, thuốc ít sử dụng thì chúng ta có thể sử dụng giá niêm yết. Các doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về giá. Các doanh nghiệp không được nâng khống giá, gây thất thoát…”, ông Cương nói.
Cũng theo ông Cương, hiện nay Bộ Y tế đã ban hành ba văn bản hướng dẫn cụ thể, tổ chức tập huấn phổ biến về đấu thầu. Bên cạnh đó, đã đưa ra một danh sách các vấn đề mà các chủ đầu tư thường gặp, phổ biến rộng rãi hướng dẫn cơ sở y tế trên cả nước.
Qua rà soát, rất nhiều vướng mắc mà các bệnh viện phản ảnh đều đã được quy định rất cụ thể trong luật, nghị định, thông tư. Bộ đã có hướng dẫn đầy đủ các nội dung đã quy định để các bệnh viện thực hiện dễ dàng.
Cơ chế chính sách đã đầy đủ
Phát biểu tại một hội nghị về quản lý bệnh viện trong thời kỳ mới vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay hiện nay cơ chế về đấu thầu mua sắm thuốc được nhận định là đã đầy đủ. Nhiều đơn vị đã thực hiện được việc đấu thầu.
Bà Lan nhấn mạnh nếu đơn vị nào nói thiếu thuốc do cơ chế chính sách thì cần trao đổi để tìm hướng giải quyết. Trong trường hợp không thể triển khai, đó là trách nhiệm của các đơn vị. Các bệnh viện phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị cho người bệnh.
Lãnh đạo Vụ Kế hoạch – Tài chính cũng khẳng định đến thời điểm hiện nay những quy định pháp luật, hướng dẫn mua thuốc, vật tư y tế đã cơ bản đầy đủ đáp ứng được nhu cầu.
“Tuy nhiên, khi thực hiện có thể sẽ phát sinh một số vướng mắc. Nhưng những vướng mắc này không phải nguyên nhân chủ chốt khiến các bệnh viện không thể mua sắm được.
Bằng chứng là rất nhiều địa phương, bệnh viện đã đấu thầu và không gặp vướng mắc gì. Tuy nhiên, một số bệnh viện lại xảy ra vướng mắc. Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã rất sát sao rà soát, kịp thời hướng dẫn, quy định để công tác đấu thầu đáp ứng đảm bảo nhu cầu điều trị bệnh cho người dân”, ông Cương nói.
Nói về công tác đấu thầu mua sắm, ông Đào Xuân Cơ – giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho hay về cơ chế chính sách liên quan đến đấu thầu hiện nay cơ bản những vướng mắc do đấu thầu trước đó đã được giải quyết. Bệnh viện đã mua sắm được thuốc, hóa chất, vật tư để phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân.
Còn lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cũng cho rằng các nghị định, thông tư hướng dẫn về đấu thầu đã tháo gỡ những vướng mắc, các bệnh viện có thể mua sắm, đấu thầu theo quy định.
“Trong đó, những quy định như được nhận 1 báo giá, được chọn báo giá cao nhất… đã giúp các bệnh viện có thể lựa chọn thuốc, vật tư y tế phù hợp với nhu cầu sử dụng, đáp ứng chuyên môn điều trị”, vị này cho hay.
Cần có chính sách quản lý giá?
Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết hiện nay bệnh viện còn gặp vướng mắc như việc quản lý giá. Theo ông Cơ, vừa qua Chính phủ cũng đã chỉ đạo phải công khai giá, nhưng các bệnh viện cần hơn việc quản lý của cơ quan chức năng. Việc đấu thầu, mua sắm theo các văn bản pháp quy, nhưng các bệnh viện vẫn đối diện với nguy cơ mua giá đắt.
“Khi mua sắm với báo giá của các doanh nghiệp, hoặc giá đã được trúng thầu của các đơn vị khác làm giá kế hoạch thì vẫn có nguy cơ mua phải giá không hợp lý, giá đắt. Vì vậy, các bệnh viện rất mong muốn có chính sách quản lý giá để các bệnh viện đấu thầu, mua sắm thuận lợi nhất”, ông Cơ đề xuất.
Liên quan đến giá gói thầu, ông Cương cho hay trong nghị định 24 đã quy định rất rõ 6 cách thức xác định giá gói thầu. Quản lý giá theo quy định của Luật Giá 2023. Trong đó, có nhiều cách thức để có thể xác định được giá vật tư cần mua trên cơ sở giá thị trường, thông qua kết quả đấu thầu rộng rãi.
Toàn bộ kết quả đấu thầu này đã được công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Đây là kênh tham khảo giá cho các cơ sở y tế, phản ánh khá sát với thị trường, làm căn cứ để làm giá thầu.
Sẽ có sổ tay hướng dẫn đấu thầu
Ông Cương cho biết thêm mới đây Chính phủ giao cho Bộ Y tế nhiệm vụ tiếp tục rà soát, để đề xuất sửa đổi theo thẩm quyền đối với nội dung trong quá trình thực hiện còn vướng mắc, hoặc chưa phù hợp với thực tế.
“Đặc biệt Thủ tướng Chính phủ cũng giao cho bộ chủ trì xây dựng sổ tay về quy trình mua thuốc, thiết bị y tế. Hiện nay chúng tôi đang triển khai nhiệm vụ này. Sắp tới, trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp vướng mắc của các bệnh viện, chúng tôi sẽ ban hành sổ tay, theo tinh thần cầm tay chỉ việc. Các bệnh viện có thể tham khảo để thực hiện đấu thầu, mua sắm.
Điều quan trọng là các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện, tránh việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, đẩy nhiệm vụ của mình lên cấp trên”, ông Cương nhấn mạnh.