Theo bác sĩ Đỗ Thị Hà – khoa y học nhiệt đới Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, nguyên nhân gây viêm màng não ở trẻ em có thể do vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng.
Trong đó tác nhân vi khuẩn hay gặp là: phế cầu, Haemophillus influenza nhóm B (HiB), não mô cầu, Escheria coli (E.coli), lao…
Viêm màng não là bệnh diễn tiến cấp tính, có thể gây tử vong chỉ trong 24 giờ. Bệnh có thể để lại các di chứng nặng nề như điếc, suy tạng, bại não, chậm phát triển tinh thần vận động, động kinh…
Hậu quả của viêm màng não có thể kéo dài suốt đời. Do đó, nhận biết các triệu chứng sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, viêm màng não sẽ có những biểu hiện có thể nhận biết như: trẻ sốt, quấy khóc bất thường khó dỗ dành, bứt rứt khó chịu, cáu gắt, ngủ nhiều, li bì, bỏ bú, bỏ chơi, thóp phồng, nôn trớ đột ngột, táo bón hoặc tiêu chảy.
Đối với trẻ lớn có các biểu hiện như sốt cao, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn vọt, táo bón đôi khi tiêu chảy, ngoài ra còn có thể lơ mơ, khó nhận biết, hốt hoảng, nói nhảm, không tập trung, thậm chí hôn mê, co giật; nhạy cảm với ánh sáng; cứng phần cổ gáy, khó gập cổ vào ngực.
Bác sĩ Hà cũng nhắc ba mẹ tuyệt đối không tự ý cho trẻ sử dụng thuốc hoặc uống các loại lá khi không có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Nếu trì hoãn và chậm trễ điều trị có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ và làm tăng nguy cơ để lại nhiều di chứng về thần kinh nặng nề.
Về phương pháp điều trị, bác sĩ Hà cho hay viêm màng não được chẩn đoán xác định dựa vào kết quả chọc dò tủy sống. Đối với viêm màng não do vi khuẩn sẽ được điều trị bằng kháng sinh tĩnh mạch. Thời gian điều trị từ một đến vài tuần tùy mức độ và tùy nguyên nhân.
Bệnh viêm màng não trẻ em có thể được phòng ngừa bằng cách tiêm chủng vắc xin.