Theo Viện Y khoa quốc gia Mỹ, cơ thể thiếu canxi có thể dẫn đến loãng xương, làm tăng nguy cơ gãy xương khi già đi và gặp một số vấn đề về sức khỏe tổng thể khác.
ThS Nguyễn Văn Thái (Viện Y học phóng xạ và U bướu quân đội) chỉ ra các dấu hiệu khi cơ thể bị thiếu canxi, gồm:
– Mất ngủ: Trong nhiều trường hợp, người không có đủ canxi trong chế độ ăn uống sẽ bị mất ngủ. Một số trường hợp, người thiếu canxi vẫn ngủ nhưng giấc ngủ không đủ sâu, thức dậy vẫn thấy mệt mỏi.
– Bị chuột rút: Đây là một trong những triệu chứng ban đầu của thiếu canxi. Đau cơ bắp, đặc biệt là đùi, cánh tay, nách và trong khi di chuyển hay khi đi bộ có thể là một dấu hiệu của sự thiếu hụt canxi.
– Sâu răng, chậm mọc răng: Canxi cũng là một thành phần quan trọng của răng. Do đó, thiếu hụt canxi trong cơ thể cũng ảnh hưởng đến răng, gây sâu răng. Trẻ em thiếu canxi có thể mọc răng trễ hơn so với các bé cùng tuổi.
– Móng tay yếu và dễ gãy: Móng tay cũng yêu cầu có đủ lượng canxi để mọc khỏe và không bị giòn. Móng tay yếu và dễ gãy cũng là biểu hiện của sự thiếu canxi trong cơ thể.
– Chóng mặt: Ngồi lâu một chỗ cảm thấy tay chân bị tê, mỏi lưng, khi đứng dậy bị hoa mắt chóng mặt. Nếu xét nghiệm rất khó biết được là có bị thiếu canxi hay không vì khi canxi trong đường huyết bị giảm xuống, bạn cảm thấy hoa mắt chóng mặt, cảm giác đó chỉ diễn ra trong vài chục giây rồi trở lại trạng thái bình thường.
– Chứng loãng xương: Loãng xương thường xảy ra ở phụ nữ mãn kinh hoặc sau mãn kinh có nồng độ estrogen giảm, làm giảm sự hấp thu canxi. Bởi vì cơ thể nếu thiếu canxi thì sẽ rút canxi từ xương để phục vụ nhu cầu của tim và các cơ quan khác mà dựa vào nó.
– Cao huyết áp: Huyết áp cao cũng được xem là một trong các triệu chứng thiếu hụt canxi. Bởi vì các kho dự trữ canxi trong cơ thể cần thiết cho các hoạt động của hệ thống tim mạch để hệ thống này làm việc một cách thích hợp. Vì vậy, theo dõi chức năng tim cũng như mức độ canxi là vấn đề vô cùng quan trọng.
– Các vấn đề về đại tràng: Polyp đại tràng có thể phát triển do cơ thể không đầy đủ canxi và các yếu tố khác, do chế độ ăn uống hoặc do di truyền. Chọn chế độ ăn bao gồm các loại thực phẩm ít chất béo giàu canxi có thể mang lại lợi ích phòng ngừa ung thư ruột kết.
– Dậy thì muộn: Dậy thì muộn ở nữ giới cũng có thể là dấu hiệu thiếu canxi. Ngoài dậy thì muộn ở tuổi thiếu niên, các vấn đề về kinh nguyệt cũng là những dấu hiệu của sự thiếu hụt canxi trong cơ thể, ví dụ như bị chuột rút trước kỳ kinh.
Theo Thư viện Y khoa quốc gia Mỹ, canxi là khoáng chất phong phú nhất trong cơ thể, chiếm tới 2% tổng trọng lượng cơ thể. Một người trưởng thành trung bình có khoảng 1.200g canxi trong cơ thể.
Lượng canxi bạn cần tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính. Theo khuyến nghị, người trưởng thành trong độ tuổi từ 19 đến 50 cần tiêu thụ khoảng 1.000mg canxi mỗi ngày. Nam giới từ 51 tuổi trở lên cần 1.000mg, trong khi phụ nữ từ 51 tuổi trở lên cần 1.200mg.
Các chuyên gia về dinh dưỡng khuyến cáo để bổ sung canxi, nên tăng cường ăn các loại rau lá xanh đậm như: Cải xoăn, bông cải xanh,… vào chế độ ăn uống hằng ngày.
Các loại thực phẩm giàu canxi khác như: Cá hồi, cá mòi, cá thu và cá ngừ, phô mai, sữa, đậu nành, hạnh nhân, tôm, cua, sò…
Để giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn, bạn cũng nên tăng lượng vitamin D hằng ngày bằng cách ăn lòng đỏ trứng, hàu, tôm, nấm và một số loại thực phẩm tăng cường như ngũ cốc, bột yến mạch và nước cam…
Không uống quá nhiều cà phê, trà hoặc các thức uống chứa cà phê khác. Nếu không thể nhận đủ canxi từ thực phẩm, có thể sử dụng sản phẩm hỗ trợ nhưng cần trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi dùng bất kỳ chất bổ sung nào.