Không đau ở cổ vẫn bị bệnh
Bác sĩ Hà Tường, Bệnh viện Phòng Không – Không Quân cho biết, thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm không chỉ gây đau đớn cho bệnh nhân mà còn có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm tính mạng, cần nhận biết và chữa trị sớm. Những triệu chứng sớm như:
– Mỏi cổ, cứng cổ, đau vùng cổ: Thời gian đầu khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ có triệu chứng mỏi cổ, cứng cổ.
Kèm theo đó là hàng loạt cơn đau thường xuyên xảy ra, có thể là đau âm ỉ nhưng đôi khi cơn đau dữ dội khiến người bệnh cảm thấy vô cùng khó chịu. Cơn đau nhanh chóng lan dần từ vùng sống cổ xuống bả vai và cánh tay.
– Cứng gáy, ngáp, chóng mặt: Bên cạnh dấu hiệu đau nhức ở vùng cổ, người bệnh rất dễ bị cứng ở vùng gáy. Điều này gây ra hiện tượng ngáp, chóng mặt, buồn ngủ nhưng lại không thể nào ngủ được.
Khi ấn vào vùng gáy của bệnh nhân, nhất là vùng gai xương và các mỏm ngang của cột sống cổ sẽ có cảm giác đau nhức tại đây. Sau khi người bệnh tiến hành chụp Xquang cột sống cổ, rất dễ nhận thấy tình trạng hẹp đĩa liên đốt, biến dạng thân đốt sống, có gai xương ở vùng cổ.
Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân có tư thế ngủ không đúng sẽ rất dễ gặp phải tình trạng cứng cổ vào buổi sáng. Lúc này, họ không thể tự di chuyển được và rất sợ gặp phải tình trạng hắt hơi, ho.
– Khó khăn trong việc xoay vùng cổ: Khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ gặp phải khó khăn trong việc xoay và cử động ở vùng cổ. Đặc biệt, khi thời tiết trở trời người bệnh sẽ rất dễ gặp phải tình trạng cứng cổ và không thể vận động được. Các động tác ở vùng cổ sẽ rất dễ bị vướng và đau, thậm chí có thể thỉnh thoảng bị vẹo cổ.
Bệnh nhân sẽ khó có thể tập trung vào bất cứ việc gì hoặc làm gì với tình trạng cổ khó di chuyển như vậy. Thoái hóa đốt sống cổ ảnh hưởng rất lớn tới tư thế cũng như sự vận động của vùng cổ.
– Đau nhức ở vùng thái dương, hai hố mắt, trán: Một trong những dấu hiệu mà bệnh nhân rất dễ phát hiện là tình trạng đau nhức ở vùng thái dương, trán, hai hố mắt vào buổi sáng. Bên cạnh đó, người bệnh còn có cảm giác tê tay do đám rối thần kinh cánh tay bị chèn ép. Kèm theo đó là tình trạng chóng mặt, ù tai, nhức đầu, hoa mắt.
Khi tê tay, chân cần chú ý ngừa biến chứng
Bác sĩ Hà Tường cảnh báo thoái hóa cột sống cổ xương yếu dễ gây thoát vị đĩa đệm, là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm bị dịch chuyển ra ngoài có thể gây chèn ép dây thần kinh.
Khi mắc phải căn bệnh này, người bệnh sẽ gặp phải tình trạng đau nhức, khó chịu ở vùng đĩa đệm bị thoát vị sau lan theo đường chi phối của rễ thần kinh như cổ, vai, cánh tay đối với thoát vị cột sống cổ, mông, đùi, cẳng, bàn chân đối với thoát vị cột sống thắt lưng.
Lúc đầu, bệnh nhân sẽ cảm nhận được triệu chứng đau dọc phần cột sống, cơn đau có thể thoáng qua hoặc xuất hiện từng hồi khi người bệnh vận động. Tuy nhiên, về sau, tình trạng đau nhức ngày càng tăng, tiếp đến là tê bì tay, chân. Khi đã có biểu hiện tê bì có thể dẫn tới:
– Hạn chế khả năng vận động, không thể vận động: Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm gây tê tay, chân trong khoảng thời gian dài sẽ rất dễ khiến người bệnh bị hạn chế khả năng vận động. Tình trạng tê buốt ở chân xuất hiện thường xuyên làm cho bệnh nhân không thể đi lại, cũng như thực hiện các sinh hoạt bình thường khác.
Tê ở tay có thể làm bệnh nhân khó khăn trong cầm bút, cầm đũa và các hoạt động khác của tay.
Nguyên nhân của tình trạng này là do bệnh thoát vị đĩa đệm có thể làm giảm khả năng truyền tín hiệu thần kinh giao cảm đến cơ quan vận động của tay, chân. Tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài sẽ khiến chân, tay bị tê mỏi, dẫn đến việc người bệnh không thể duỗi hay gấp bàn tay, chân.
Đó là lí do vì sao, bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm thường xuyên trong tình trạng đi lại không vững, dễ bị ngã và thường xuyên bị vấp té, thậm chí là không thể vận động.
– Yếu cơ, teo cơ: Tình trạng thoát vị đĩa đệm gây đau chân kéo dài có thể khiến cho người bệnh phải đối diện với hiện tượng yếu cơ, teo cơ. Khi bị tê nhức tay, chân trong một khoảng thời gian quá dài sẽ khiến các dây thần kinh ở chân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Lúc này, các cơ ở chân sẽ dần bị yếu đi và teo dần, khiến người bệnh dễ bị mất khả năng vận động.
– Bại liệt, tàn phế suốt đời: Bại liệt, tàn phế suốt đời là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của căn bệnh thoát vị đĩa đệm gây tê chân, tay.
Thoát vị đĩa đệm gây tê chân sẽ khiến cho các dây thần kinh tay, chân trở nên bị tê liệt, không hoạt động, khiến cho các cơ khớp của người bệnh bị cứng dần. Nếu bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm ở cổ thì nguy cơ bệnh nhân bị tàn phế là rất cao.
– Hội chứng đuôi ngựa – đại tiểu tiện không tự chủ: Do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng chèn ép vào chùm rễ thần kinh, dễ gặp phải chứng đại tiểu tiện không tự chủ do rối loạn cơ tròn.
Đôi khi tình trạng này gây rối loạn cảm giác vùng hạ vị, sinh dục, rối loạn khả năng cương dương, suy giảm khả năng tình dục.
Biện pháp phòng ngừa chứng đau cổ khi ngủ dậy
– Duy trì tư thế ngủ nằm ngửa hoặc nằm nghiêng thay cho nằm sấp.
– Khi ngủ ở tư thế nằm nghiêng, hãy đặt một chiếc gối giữa hai chân để giữ cho cổ và cột sống luôn thẳng hàng.
– Ưu tiên sử dụng gối lông vũ, gối làm bằng mút hoạt tính khi ngủ và thay định kỳ 1 – 2 năm/lần.
– Tránh sử dụng gối quá cứng hoặc quá mềm vì dễ khiến cơ cổ bị uốn cong.
– Sử dụng đệm có độ cứng vừa phải để nâng đỡ lưng và cổ.
– Duy trì tư thế đúng khi đi, đứng, ngồi, làm việc, dùng điện thoại, máy tính.
– Tránh khom vai và cúi cổ quá xa về phía trước.
– Tập thể dục thường xuyên để tăng cường cơ bắp, bao gồm cả cơ cổ, từ đó giúp cải thiện tư thế, giảm căng thẳng và ngăn chặn hiện tượng cứng cơ.