Đang làm rõ ca tử vong sau thay van động mạch chủ qua da liên quan bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai

Hình minh họa về mức độ nguy hiểm của bệnh lý hở van động mạch chủ

Theo văn bản do ông Nay Phi La, giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk ký, bệnh nhân là bà N.T.Â. 67 tuổi, được can thiệp thay van động mạch chủ qua da tại bệnh viện này ngày 28-7 và đến 29-7 bệnh nhân ngưng tuần hoàn, rối loạn nhịp thất ác tính, tràn máu ngoài màng tim, chèn ép tim và sau đó tử vong.

Để xem xét, đánh giá ca bệnh, Sở Y tế Đắk Lắk đã họp hội đồng chuyên môn ngày 14-8, ngày 16-8 có báo cáo gửi Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Thanh tra Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết có một số tồn tại trong quá trình điều trị, chẩn đoán cho người bệnh.

Cụ thể, về chẩn đoán trước phẫu thuật thì chưa thực hiện đầy đủ các cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán, như chụp động mạch vành, đo đường kính lỗ van, đường kính góc động mạch chủ…

Khi xảy ra biến chứng, tai biến thì chỉ định mở ngực là chưa phù hợp vì chưa có đội ngũ phẫu thuật tim, chưa có tuần hoàn ngoài cơ thể và các máy móc hỗ trợ hồi sức tim. Bác sĩ điều trị chưa thực hiện CT tim nên chưa đánh giá được tổn thương cấu trúc van tim và cơ tim.

Văn bản này cũng chỉ ra một số sai sót về quy chế hội chẩn như quy trình hội chẩn không theo quy định, chưa hội chẩn cấp khoa, liên khoa, cấp toàn viện trước khi mời chuyên gia, chưa hội chẩn ngoại khoa trước mổ. Hồ sơ bệnh án bệnh viện cung cấp chưa ghi nhận diễn tiến của người bệnh từ 17h20 phút ngày 28-7.

Kiểm tra các tem nhãn dán trong hồ sơ bệnh án do bệnh viện cung cấp chỉ ghi nhận 1 vật tư sử dụng có mã hàng. Được biết tổ chuyên gia đến từ Bệnh viện Bạch Mai trong ca bệnh này gồm 3 bác sĩ, trong đó có bác sĩ Phạm Mạnh Hùng, viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia thuộc Bệnh viện Bạch Mai.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Tuấn Tùng, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết ngày 18-8 bệnh viện đã họp về vụ việc này sau khi nhận được văn bản từ Đắk Lắk. Ông Tùng nói đang đợi các bác sĩ liên quan giải trình xem có hợp đồng làm việc ngoài giờ hoặc làm chuyên gia cho Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột hay không.

Ông Tùng cũng cho biết Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột được Bộ Y tế cấp phép cho thực hiện kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da (TAVI), tuy nhiên theo quy định của Bạch Mai việc chuyên gia của bệnh viện đi chuyển giao kỹ thuật phải có đề nghị tới Phòng Tổ chức và phải được Bệnh viện Bạch Mai chấp thuận.

“Hiện chúng tôi đã có trên 300 bác sĩ có đề nghị làm thêm ngoài giờ và đã có trên 200 bác sĩ được chấp thuận, ê kíp này không có đề nghị làm thêm ngoài giờ tại Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột và theo quy chế của Bạch Mai, nếu chuyển giao kỹ thuật thì phải theo kế hoạch của Sở Y tế nơi nhận chuyển giao và Bệnh viện Bạch Mai. Chúng tôi đang làm rõ thêm căn cứ pháp lý và sẽ sớm có kết luận vụ việc” – ông Tùng cho biết.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *