Chiều 31-10, nhiều ý kiến của các đại biểu nêu các bất cập quy định về chi trả tiền thuốc, khám chữa bệnh liên quan đến bảo hiểm y tế cần điều chỉnh trong dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi).
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đã bấm nút tranh luận và nêu các vấn đề: “Ngoài vấn đề đối tượng nào đóng, đối tượng nào không đóng, vấn đề cử tri bức xúc nhất chính là dịch vụ y tế quá nhiều bất cập và quá nhiều phức tạp đã dẫn đến sự khó chịu cho bệnh nhân”.
Từ ghi nhận ý kiến thực tế của người tham gia bảo hiểm, ông Hạ kể ra một loạt bức xúc: “Đi khám chờ đợi rất mệt mỏi, quá tải; nhiều người có bảo hiểm y tế bảo nhau đi ra ngoài khám cho nhanh, chứ chất lượng thuốc và thái độ thanh toán chán lắm”.
Ông Hạ nêu thêm khi ông tìm hiểu tại sao lại có chuyện thiếu thuốc trong hoạt động bảo hiểm y tế mới biết có chuyện định mức trong chi trả của từng cơ sở y tế; thời gian, thủ tục hồ sơ, thủ tục thẩm định chi trả của bảo hiểm y tế cũng chậm.
Chưa kể có loại thuốc được thanh toán, có loại không được thanh toán. Ngoài ra, còn có tình trạng nợ chậm thanh toán bảo hiểm cho cơ sở khám chữa bệnh. Bởi vậy nếu hết định mức sẽ không còn thuốc để đưa loại phù hợp.
“Cử tri bức xúc bởi đã bỏ tiền tham gia bảo hiểm rồi nhưng chất lượng dịch vụ bảo hiểm chưa đáp ứng yêu cầu người dân, cho nên đấy mới là vấn đề mấu chốt gây bức xúc”, ông Hạ nhấn mạnh.
Sửa luật lần này, ông Hạ đề nghị ngành bảo hiểm công khai, minh bạch hoạt động bảo hiểm y tế. Trong đó công bố rõ tổng một năm thu bao nhiêu tiền, phân định mức cụ thể ra sao, chi tiêu thế nào, thiếu hay dư bao nhiêu để còn cơ chế giám sát.
Mặt khác, để nâng cao chất lượng, dịch vụ bảo hiểm, ông Hạ đề nghị tạo điều kiện cơ hội cho nhiều thành phần kinh tế khác tiếp tục được tham gia vào thị trường bảo hiểm y tế này. Lúc đó mới có sự cạnh tranh, người dân mới có sự lựa chọn nhiều hơn.
“Bây giờ con tôi đi học phổ thông bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế. Trong khi mẹ cháu đã mua bảo hiểm công ty nước ngoài cho cháu nhưng giờ không được công nhận, và gia đình vẫn phải bỏ tiền ra mua”, ông Hạ nói.
Theo ông Hạ: “Bảo hiểm nào cũng là bảo hiểm, về dịch vụ y tế rõ ràng các công ty bảo hiểm thực hiện, chăm sóc cho khách hàng tốt hơn. Cho nên giờ phải quy định song song cho mua một trong hai loại bảo hiểm.
Nếu bắt buộc mua như hiện nay có gì đó độc quyền ở đây. Nếu bỏ được việc này sẽ là khâu đột phá nâng cao chất lượng bảo hiểm”.
Tăng sức hấp dẫn của bảo hiểm y tế bằng chính sách khám, chữa bệnh tại nhà
Đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn tỉnh Hà Nam) cho biết nghị quyết 21 năm 2017 về dân số đề ra mục tiêu đến năm 2030 có 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế.
Ý nghĩa rất quan trọng và nhân văn của mục tiêu này nằm ở chỗ đây là quyết tâm chính trị để đến năm 2030 không có người cao tuổi nào không có thẻ bảo hiểm y tế.
Do vậy bà Hiền đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, làm rõ xem với phạm vi sửa đổi về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế trong dự luật hiện nay thì chủ trương này có thực hiện được không?
Bà Hiền cho biết báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế – xã hội nêu đến nay đã có 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, nhưng sau đó lại nêu mục tiêu phấn đấu trong năm 2025 cũng chỉ duy trì 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, còn thấp hơn chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế là 95,15%.
Trong khi đó chúng ta chỉ còn 5 năm để tiến tới mục tiêu tất cả người cao tuổi đều có thẻ bảo hiểm y tế. Trong số 5% người cao tuổi chưa được bao phủ bảo hiểm y tế, có những người từ đủ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp.
“Đây là nhóm dân số rất cần được quan tâm chăm sóc sức khỏe, tiếp cận dịch vụ y tế thuận lợi để có tuổi già khỏe mạnh. Do vậy tôi đề nghị cần tính toán, lồng ghép chính sách để thực hiện được mục tiêu này, trong đó tôi cho rằng cần tăng sức hấp dẫn của bảo hiểm y tế bằng chính sách khuyến khích khám, chữa bệnh tại nhà, gắn với định hướng phát triển y học gia đình mà nghị quyết 21 đã đề ra”.