Sự kiện do Bệnh viện Đà Nẵng, Hội Phẫu thuật cột sống ít xâm lấn khu vực Đông Nam Á, Hội Phẫu thuật thần kinh Việt Nam phối hợp tổ chức.
Lần đầu tiên Hội nghị quốc tế Phẫu thuật cột sống ít xâm lấn khu vực Đông Nam Á được tổ chức tại Đà Nẵng với gần 120 bài báo cáo và hơn 500 đại biểu, chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế tham dự.
Hội nghị đã nghe các chuyên gia phân tích, chia sẻ kinh nghiệm về phẫu thuật ít xâm lấn trong lĩnh vực thần kinh, cột sống như phẫu thuật nội soi cột sống cổ, bệnh lý u cột sống, phẫu thuật nội soi cột sống 1 cổng, các phương pháp xâm lấn tối thiểu điều trị chấn thương cột sống, phẫu thuật nội soi 1 cổng trong điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, điều trị trượt đốt sống thắt lưng, các kỹ thuật mổ cột sống ít xâm lấn và công nghệ hỗ trợ…
Bà Trần Thanh Thủy – giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng – cho biết hội nghị không chỉ trao đổi, thảo luận về chuyên môn kỹ thuật, cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán, chăm sóc, điều trị các bệnh lý cột sống mà còn là cơ hội kết nối các chuyên gia trong nước với quốc tế, thiết lập mối quan hệ hợp tác sâu sắc giữa các cá nhân, tổ chức trong chuyên ngành. Qua đó góp phần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe người bệnh.
Phó giáo sư Pornpavit Sriphirom – nhà sáng lập Hội phẫu thuật cột sống ít xâm lấn khu vực Đông Nam Á (ASEAN MISST) – cho biết từ năm 2015, khi hội đưa kỹ thuật này đến Việt Nam, chỉ có số ít phẫu thuật viên tiếp cận. Hiện đã có hơn 100 phẫu thuật viên nắm bắt kỹ thuật tiên tiến này và sẽ mở rộng trong thời gian tới.
“Áp dụng kỹ thuật này, bệnh nhân sẽ chỉ mất 1 ngày nhập viện, 1 ngày nằm viện là có thể xuất viện. Từ 1-2 tuần sau có thể trở lại cuộc sống bình thường. Kỹ thuật mới không cần đặt vít vào bệnh nhân, giảm chi phí cho bệnh nhân và ngành y tế. Thời gian tái hòa nhập nhanh sẽ nâng chất lượng cuộc sống người bệnh, nâng cao kỹ năng, năng lực của các phẫu thuật viên”, ông Pornpavit Sriphirom nói.
Ông Lê Đức Nhân – giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng là đơn vị đăng cai hội nghị – cho biết hội nghị đã mang lại cho ngành y tế Đà Nẵng thêm nhiều kỹ thuật mới, phát triển kỹ thuật chuyên môn nhằm cho người bệnh tiếp cận phương pháp mới với phương tiện hiện đại hơn, rút ngắn thời gian hậu phẫu.
“ASEAN MISST cũng đã có cam kết đưa trung tâm đào tạo của khu vực về Bệnh viện Đà Nẵng để đào tạo cho các đơn vị khác triển khai kỹ thuật này. Để thành lập một trung tâm, cần có sự đầu tư, trang bị ekip chuyên sâu, con người, đặc biệt các phương tiện hiện đại và các chính sách lồng ghép công tác đào tạo”, ông Nhân cho hay.