Thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 2 tối 1-9, bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho một bé trai hơn 2 tuổi, ngụ Ninh Thuận, bị vết thương sọ não khá hiếm gặp.
Bé trai nhập viện cấp cứu trong đêm do có một vết thương ở đỉnh đầu, chảy máu nhiều và rỉ dịch.
Theo lời mẹ bé, bé đang chơi cạnh cửa kéo ở nhà thì thanh ray cửa sắt lùa bất ngờ rớt xuống, đầu nhọn thanh sắt đâm vào đỉnh đầu.
Gia đình đã đưa bé vào bệnh viện địa phương sơ cứu, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Pi Doanh, phẫu thuật viên chính của ca mổ, cho biết thanh sắt đã đâm thủng xương sọ, rách màng não, đâm sâu vào nhu mô não 2cm vùng đỉnh trái. Nhiều mô tóc, mảnh vỡ xương sọ bên trong.
Bệnh nhi được phẫu thuật lấy dị vật, máu tụ, khâu vá lại màng não bị rách. Ca mổ kéo dài hơn 2 giờ, sau mổ sức khỏe bé phục hồi tốt.
Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, vết thương sọ não là một loại chấn thương đầu nghiêm trọng liên quan đến tổn thương hộp sọ và não…
Các trường hợp vết thương sọ não có thể gây các biến chứng như viêm màng não, chảy máu não và có thể để lại di chứng tuỳ theo mức độ, vị trí của tổn thương.
Chấn thương sọ não có thể để lại những di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Từ những vấn đề về nhận thức như khó tập trung, giảm trí nhớ, đến các vấn đề về vận động như liệt nửa người, co giật, hay thậm chí là những thay đổi về tâm lý, hành vi.
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, chấn thương sọ não còn có thể dẫn đến tử vong.
Cẩn thận với các vật sắc nhọn
Theo BS.CK1. Phan Nguyễn Ngọc Tú – Phòng Kế hoạch Tổng hợp bệnh viện Nhi đồng 2 – để phòng ngừa các trường hợp như trên, cần đặt trẻ trong tầm quan sát của các bậc phụ huynh, cẩn thận với các vật sắc nhọn trong tầm với của trẻ, cũng như các vật dụng có tính sát thương cao.
Khi tham gia giao thông, cũng nên có mũ bảo hiểm cho trẻ để phòng tránh các tai nạn có thể xảy ra.
Còn TS.BS Phạm Ngọc Thạch khuyến cáo để phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ em cần tạo ra một môi trường an toàn cho các em, bao gồm cả trong nhà và ngoài trời. Các bậc cha mẹ nên giám sát trẻ, đặc biệt những nơi có nguy cơ cao như khu vực gần nước, cầu thang, bếp, đường phố.
Sau khi trẻ bị chấn thương đầu, dù nhẹ hay nặng, việc theo dõi sát tại nhà rất quan trọng. Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý các dấu hiệu bất thường như mất ý thức, đau đầu, co giật, nôn mửa, yếu liệt, khó nói hoặc khó hiểu lời nói, thay đổi hành vi thì cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Nếu trẻ bị chảy máu, hãy dùng gạc sạch hoặc vải mềm ấn nhẹ lên vết thương để cầm máu. Tránh di chuyển đầu và cổ trẻ, đặc biệt nếu nghi ngờ có tổn thương cột sống.
Nếu trẻ bất tỉnh, hãy đặt trẻ nằm nghiêng để tránh tắc nghẽn đường thở. Gọi ngay dịch vụ cấp cứu hoặc đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất.