Chiều 30-11, Ngân hàng mô Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 nhận được cuộc gọi từ người thân của cụ ông 86 tuổi (trú tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), bày tỏ nguyện vọng hiến giác mạc cụ ông sau khi qua đời.
Người thân của cụ chia sẻ khi còn sống cụ thường nói muốn hiến máu, bởi cụ biết mình thuộc nhóm máu O – nhóm máu có thể cứu sống tất cả mọi người.
Cụ nói với con cháu dù đã già, nhưng vẫn luôn giữ gìn tim, gan, thận của mình, mong sao khi ra đi có thể hiến tặng những cơ quan đó để cứu sống nhiều người. Nếu di nguyện hiến tạng của mình được thực hiện, cụ sẽ mỉm cười nơi chín suối.
Từ những nhắn nhủ của cụ, sau khi cụ qua đời, con cháu trong gia đình đã liên hệ với Ngân hàng mô Bệnh viện Hà Nội 2 để thực hiện di nguyện mà cụ ông đã để lại.
Ngay sau khi nhận được cuộc gọi của gia đình, Ngân hàng mô Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã khẩn trương lên đường từ Hà Nội đến Hòa Bình.
Quá trình thu nhận giác mạc có sự chứng kiến của gia đình, lãnh đạo địa phương và bà con lối xóm.
Nhiều người đã đến động viên gia đình, bày tỏ sự khâm phục và chia sẻ nỗi buồn với họ. Đặc biệt rất nhiều người đã bày tỏ mong muốn đăng ký hiến mô tạng vì họ cảm nhận được sức mạnh của hành động nhân văn này.
Sau khi lấy giác mạc được hiến tặng, đội ngũ y bác sĩ sẽ xét nghiệm giác mạc để xác định có thể thực hiện ghép cho người bệnh hay không và lựa chọn người ghép giác mạc phù hợp.
Theo PGS.TS Hoàng Minh Châu – chủ tịch hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 – giác mạc của người cao tuổi không thể có chất lượng tốt như người trẻ tuổi. Tuy nhiên khi lấy giác mạc từ người hiến tặng, các bác sĩ sẽ đánh giá rất kỹ về chất lượng giác mạc, dựa vào các chỉ số chuyên môn để quyết định giác mạc có thể ghép hay không.
“Có những người trẻ tuổi nhưng giác mạc cũng không đảm bảo chất lượng để ghép, nhưng cũng có những người lớn tuổi vẫn đảm bảo các chỉ số.
Có những người hơn 100 tuổi vẫn hiến giác mạc và ghép thành công. Bởi vậy, chúng tôi rất mong mọi người có thể lan tỏa nghĩa cử hiến mô tạng cao đẹp để tiếp tục trao cơ hội cho những người đang chờ ghép mô, tạng”, bác sĩ Châu nói.
Người hiến giác mạc đầu tiên của tỉnh Hòa Bình
Bà Phạm Thị Ngọc Ánh – phó chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Hòa Bình – chia sẻ cụ là một tấm gương sáng cho cộng đồng. Hành động của cụ đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người.
Bà cũng cho biết thêm đây là trường hợp hiến tặng giác mạc đầu tiên của tỉnh, dù đau buồn nhưng gia đình, địa phương rất vinh dự và tự hào về cụ.
Đó là một nghĩa cử cao đẹp, một tấm gương sáng về lòng nhân ái, minh chứng cho sức mạnh của tình yêu thương và sự sẻ chia trong cuộc sống.