Ngoại trừ một số ít trường hợp cho thấy có kết quả làm giảm hiệu quả tỉ lệ mắc các bệnh liên quan đến vi rút HPV của vắc xin ngừa HPV, hay vắc xin Bacillus Calmette-Guerin giúp ngăn ngừa tái phát ung thư bàng quang giai đoạn đầu, thì hầu hết loại vắc xin ung thư khác đều chưa cho thấy kết quả đáng kể.
Công nghệ mRNA mang lại hy vọng
Ghi nhận tích cực cho thấy nhiều tiến bộ gần đây trong trị liệu miễn dịch đã mang lại nhiều hy vọng mới.
Theo đó, trong loạt bài đăng trên tạp chí của Hiệp hội Nghiên cứu ung thư Mỹ (AACR) hồi đầu năm, tiến sĩ Y khoa Catherine J. Wu đã có các dự đoán mới về những bước tiến lớn đối với vắc xin ung thư, đặc biệt cho khả năng cá nhân hóa vắc xin nhắm đến các tân kháng nguyên đặc hiệu của mỗi bệnh nhân, cùng nhiều loại vắc xin điều trị các loại khối u khác nhau.
Tân kháng nguyên (neoantigen) là 1 protein lạ không hiện diện trong bất kỳ mô, cơ quan bình thường nào của cơ thể.
“Việc tập trung vào các tân kháng nguyên phát sinh từ các đột biến trong nhiều loại khối u khác nhau có thể cho phép chúng ta đạt được tiến bộ đối với các loại vắc xin đang có”, bà Wu, hiện đang là chuyên gia về liệu pháp phòng ngừa ung thư tại Viện Ung thư Dana-Farber và là giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard, giải thích.
Một ví dụ điển hình là vắc-xin dựa trên RNA thông tin (mRNA) được cá nhân hóa, được thiết kế để ngăn ngừa tái phát u ác tính. Như vắc xin mRNA-4157 mã hóa tới 34 loại tân kháng nguyên đặc hiệu cho từng bệnh nhân khác nhau.
Vắc xin mRNA-4157, do hai công ty Merck và Moderna phát triển, được thiết kế để ngăn ngừa tái phát u hắc tố.
“Đây là một trong những phát triển thú vị nhất trong liệu pháp điều trị ung thư hiện đại”, nhà vi rút học và giáo sư về ung thư học Lawrence Young tại Đại học Warwick (Anh) nhận định.
Nga vừa qua cũng tuyên bố đã phát triển vắc xin mRNA chống ung thư của riêng nước này. Ông Alexander Gintsburg, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật quốc gia Gamaleya, cho biết vắc xin này có thể được sử dụng cho bất kỳ loại ung thư nào, và nhắc đến yếu tố vắc xin sẽ được “cá nhân hoá” cho từng bệnh nhân.
Ngừa ung thư nhờ ngừa vi rút
Vào tháng 10-2024, các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh) đã nhận được tài trợ để phát triển loại vắc xin đầu tiên trên thế giới nhằm ngăn ngừa ung thư buồng trứng.
Theo đó, OvarianVax là một loại vắc xin giúp hệ thống miễn dịch nhận biết và tấn công các giai đoạn sớm nhất của ung thư buồng trứng. Năm 2022, thế giới ghi nhận 324.000 trường hợp ung thư buồng trứng mới và 206.839 trường hợp tử vong liên quan loại bệnh này.
Trong khi đó, các loại vắc xin phòng ngừa ung thư hiện nay hoạt động theo cách nhằm vào một số loại vi rút là nguyên nhân của một số loại ung thư.
Như vắc xin ngừa vi rút u nhú ở người (HPV) giúp bảo vệ người tiêm khỏi một số loại ung thư liên quan đến vi rút HPV, bao gồm ung thư cổ tử cung.
Tương tự, vắc xin phòng ngừa vi rút viêm gan B (HBV), như Heplisav-B, giúp ngăn ngừa ung thư gan liên quan đến HBV bằng cách bảo vệ chống lại các bệnh do nhiễm vi rút có thể dẫn đến bệnh gan mãn tính và ung thư.