Đuối nước, sạt lở đất vùi lấp người dân, điện giật, sét đánh, rắn rết cắn người dân, tai nạn giao thông, các vật thể trôi nổi như nhành cây rơi, mảnh vỡ, rác thải bị nước cuốn trôi có thể gây thương tích cho con người.
Tùy theo loại tai nạn mà chúng ta có cách sơ cứu phù hợp, nhưng có một điểm chung là chúng ta nên tìm hiểu và học phương pháp hồi sức tim phổi để cấp cứu các trường hợp ngưng tim ngưng thở.
Thời gian sơ cứu ban đầu là thời gian vàng để nạn nhân được sống mà ít bị di chứng sau này.
Hồi sức tim phổi đơn giản là biết cách ép tim và thổi ngạt. Chỉ cần biết và thực hiện chính xác ép tim và thổi ngạt là có thể cứu sống mạng người.
Ngoài ra, trong mùa mưa lũ, bão lụt sẽ làm môi trường bị ảnh hưởng không tốt như ô nhiễm nguồn nước, thực phẩm dễ hư hỏng, vi khuẩn, vi rút phát triển, ruồi muỗi sinh sôi nảy nở dẫn đến nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác nhau.
Có 4 loại bệnh thường gặp là:
Thứ nhất là bệnh đường tiêu hóa: tiêu chảy, lỵ, thương hàn, viêm gan A, dịch tả… Nguyên nhân chủ yếu do sử dụng nguồn nước ô nhiễm, thực phẩm bị nhiễm khuẩn.
Thứ hai là bệnh về da: nấm, ghẻ, viêm da do tiếp xúc với nước bẩn, môi trường ẩm thấp.
Thứ ba là bệnh về mắt: đau mắt đỏ do vi khuẩn lây lan qua nước bẩn, tiếp xúc trực tiếp.
Thứ tư là các bệnh truyền nhiễm khác từ côn trùng: sốt xuất huyết, sốt rét, viêm màng não… do muỗi và các côn trùng truyền bệnh phát triển mạnh.
Để phòng tránh, cần chú ý làm tốt việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Tắm rửa sạch sẽ sau khi tiếp xúc với nước bẩn. Cắt móng tay, chân sạch sẽ, ăn chín uống sôi, hạn chế ăn rau sống, trái cây chưa rửa sạch, bảo quản thực phẩm ở nơi sạch sẽ, thoáng mát.
Vệ sinh môi trường: thu gom và xử lý rác thải đúng cách, tránh để rác thải gây ô nhiễm nguồn nước. Sử dụng nước sạch để ăn uống, sinh hoạt. Nếu không có nước sạch, nên đun sôi nước trước khi sử dụng. Nhà cửa, chuồng trại quét dọn sạch sẽ, tiêu diệt muỗi và côn trùng.