Có hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ khám bệnh còn cần không?

Khi đến khám bệnh tại bệnh viện, mỗi bệnh nhân phải có sổ khám bệnh, dù sổ này chủ yếu để kẹp giấy tờ – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN – xuân mai

Vào các bệnh viện (đặc biệt bệnh viện công), người bệnh vẫn phải mua sổ. Điều này ít nhiều gây rườm rà, tốn kém cả tiền bạc và thời gian.

Anh Lê Bá Cai (38 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) tái khám lần 3 tại Bệnh viện Da liễu (TP.HCM) về bệnh ngoài da. Anh ra khỏi nhà từ 6h lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM làm xét nghiệm. Trong thời gian chờ kết quả, anh chạy vòng về Bệnh viện Da liễu làm các thủ tục như một người khám lần đầu. Hỏi sổ cũ đâu, anh cười: “Lạc trôi mất rồi. Mỗi lần tái khám là một lần mua”.

Quanh câu chuyện sổ khám bệnh mà chúng tôi ghi nhận, cũng có không ít trường hợp “dở khóc, dở cười”.

Khám 2 -3 lần vẫn phải mua sổ mới

Khi đến khám bệnh tại bệnh viện, mỗi bệnh nhân phải có sổ khám bệnh, dù sổ này chủ yếu để kẹp giấy tờ - Ảnh: XUÂN MAI

Khi đến khám bệnh tại bệnh viện, mỗi bệnh nhân phải có sổ khám bệnh, dù sổ này chủ yếu để kẹp giấy tờ – Ảnh: XUÂN MAI

Lúng túng trước quầy điền thông tin vào sổ khám bệnh tại Bệnh viện Da liễu vào sáng 8-7, hai người con của ông Dương Văn Chấm (66 tuổi, ngụ An Giang), một người cầm CCCD của cha mình, một người lấy bút điền thông tin. Khoảng chục người đứng điền, cùng với nhiều người khác vừa lấy số thứ tự xong, đang xếp hàng mua sổ khám bệnh với giá 5.000 đồng/sổ.

Chị Hai (con ông Chấm) kể cha mình bị nổi nhiều mụn lạ trên cánh tay, sáng sớm đã đưa cha đến khám ở Bệnh viện Ung bướu, được chẩn đoán tổn thương da không rõ nguyên nhân, không kê đơn. Sau đó chị đưa cha qua Bệnh viện Da liễu khám lại, sổ khám và kết quả khám ở Bệnh viện Ung bướu coi như bỏ vì bên này phải khám lại từ đầu. Chị nói do không rành điền sổ khám nên khá mất thời gian.

Còn anh Trần Văn Tuấn (37 tuổi, ngụ quận 6, TP.HCM) bị nổi mụn nước ở lưng, cách đây mấy tháng đã đến khám tại Bệnh viện Da liễu. Điều trị theo toa lần đầu thấy đã khỏi nên anh không tái khám, sổ cũng không giữ lại.

“Giờ đi khám lại nên tôi mua sổ mới. Cuốn sổ 5.000 đồng không tốn gì nhiều, nhưng khám một vài lần rồi bỏ cũng phí”, anh bày tỏ. Tương tự, chị Phùng Ngọc Dung (30 tuổi, ngụ quận Tân Bình) đi khám da mụn, khi mua cuốn sổ khám với phần giấy bên trong chỉ chừa phần lề để bác sĩ in toa thuốc dán vào, chị thắc mắc không biết phần giấy trống có lãng phí không.

Quan sát tại quầy bán sổ và khu vực điền thông tin, chúng tôi thấy người đi khám dành thời gian cho hai khâu này khá nhiều. Chưa kể cảnh chờ đợi mua sổ vào giờ cao điểm, sau đó quay ra tìm chỗ điền thông tin.

Nhiều người tái khám lần hai, lần ba nhưng vẫn mua sổ mới. Với những cây bút bi được bệnh viện trang bị ở nơi điền thông tin, gặp lúc đông người thì bệnh nhân lại phải đợi; có người điền sai thông tin, gạch bỏ nhiều chỗ, phải mua sổ khác.

Có sổ cũng như không

Anh Nguyễn Mạnh (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) sau mấy lần đến khám ở Bệnh viện Tai Mũi Họng (quận 3) điều trị viêm ống tai ngoài đã than phiền “sổ khám bệnh của bệnh viện có cũng như không”. Toàn bộ 16 trang không một tờ giấy trống, tất cả dày đặc thông tin các bệnh lý, hướng dẫn quy trình khám và giới thiệu dịch vụ.

“Toa thuốc bác sĩ in ra rồi bấm kèm vào sổ. Như vậy sổ khám có cũng được, không có thì đỡ tốn tiền, mất thời gian. Hằng ngày có hàng trăm, hàng ngàn lượt người đến thăm khám, hầu hết ai cũng phải mua sổ. Tôi thấy như vậy là quá lãng phí”, anh Mạnh chia sẻ.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Mắt TP.HCM (quận 3), sổ khám bệnh bán cho bệnh nhân toàn giấy trắng để trống ngày giờ, nội dung, kết quả thăm khám, toa thuốc… Các trang giấy này không được dùng tới. Sau khi khám, bác sĩ cho in các nội dung kèm toa thuốc rồi dán chồng lên các trang giấy trắng trên sổ khám.

Tuy vậy, không phải ai cũng than phiền về sổ khám bệnh. Bà Minh Hạnh (67 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho rằng bản thân không rành công nghệ, do đó việc giữ sổ khám bệnh và đơn thuốc để xem phân loại thuốc, liều dùng… là cần thiết, tránh lẫn lộn.

Bà cũng chưa biết thông tin về việc tích hợp dữ liệu sức khỏe của người dân lên ứng dụng định danh điện tử VNeID, không rõ sẽ có những cải tiến gì để đơn giản hóa thủ tục khám chữa bệnh. Một số bệnh nhân lớn tuổi khác cũng cho rằng nên có sổ khám bệnh để “theo dõi cho tiện”.

Bệnh nhân điền thông tin vào sổ khám bệnh tại bệnh viện chiều 11-7 - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Bệnh nhân điền thông tin vào sổ khám bệnh tại bệnh viện chiều 11-7 – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Vì sao chưa thể bỏ sổ khám bệnh?

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện hầu hết bệnh viện tại TP.HCM đều dùng sổ khám bệnh cho bệnh nhân khám ngoại trú. Các lãnh đạo bệnh viện cho rằng không thể xóa bỏ sổ khám bệnh dù đã tích hợp hồ sơ điện tử.

Ông Bùi Mạnh Hà, phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho hay bệnh nhân đến khám ngoại trú phải có sổ khám bệnh (mua giá 5.000 đồng) và trong sổ này sẽ dán toa thuốc được bác sĩ kê sau khi bệnh nhân thăm khám, chẩn đoán bệnh. “Mỗi bệnh nhân khám ngoại trú đều có sổ khám bệnh mang về, trong đó có dán toa thuốc được in từ hồ sơ điện tử của bệnh viện. Sổ khám bệnh như hồ sơ ngoại trú của bệnh nhân, còn phía bệnh viện vẫn lưu hồ sơ điện tử của bệnh nhân”, ông Hà nói.

Với hơn 3.000 bệnh nhân khám ngoại trú mỗi ngày, bác sĩ Lê Anh Tuấn, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhân dân 115, cũng cho biết từ lâu nay đơn vị vẫn triển khai sổ khám bệnh cho bệnh nhân ngoại trú.

Sổ khám bệnh hiện tại của bệnh viện có chức năng chính là dán toa thuốc của bệnh nhân. Với toa thuốc này, bệnh nhân khi về nhà sẽ biết được thời gian và liều lượng thuốc uống, đồng thời cung cấp thông tin bệnh tật cho người nhà cùng nắm. Toa thuốc này cũng đã lưu trên hệ thống bệnh án điện tử của bệnh viện.

Nguồn: Thông tư 46/2018 của Bộ Y tế - Đồ họa: TUẤN ANH

Nguồn: Thông tư 46/2018 của Bộ Y tế – Đồ họa: TUẤN ANH

“Không chỉ bệnh nhân, sổ khám bệnh này giúp người nhà biết được người thân mình mắc bệnh gì, uống thuốc sao và cũng thuận tiện hơn cho các bác sĩ.

Nếu bỏ sổ khám bệnh, toa thuốc bệnh nhân mang về nhà chỉ là một tờ giấy thì rất dễ bị thất lạc và khó bảo quản, nhất là đối với những bệnh nhân lớn tuổi không minh mẫn, gặp khó khăn khi đọc chữ hoặc người không biết sử dụng điện thoại thông minh có kết nối mạng”, ông Tuấn nói thêm.

Còn với bệnh án điện tử, bác sĩ Tuấn cho hay chủ trương của bệnh viện là đi chậm nhưng phải chắc. Bởi lẽ bệnh án điện tử là tài liệu mật của bệnh nhân và bệnh viện, liên quan pháp lý. Nếu bệnh viện đưa thông tin bệnh án bệnh nhân lên mạng nhưng không quản lý chặt, có kẽ hở, và chẳng may bị hacker tấn công thì rất nguy hiểm.

Lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng cho hay bệnh viện vẫn chưa thể xóa sổ khám bệnh bởi lẽ các bác sĩ vẫn ghi triệu chứng, dịch tễ học, kể cả kết quả xét nghiệm… của bệnh nhân vào sổ khám bệnh. Nếu không có sổ khám bệnh sẽ không có sự liên thông, khi việc triển khai bệnh án điện tử tại các bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn.

“Dù còn thủ công nhưng sổ khám bệnh vẫn có lợi, chỉ trừ trường hợp khi bệnh án điện tử được liên thông đồng bộ. Lúc này khi người bệnh đến bất kỳ cơ sở y tế nào, các bác sĩ tại đây cũng nắm bệnh án của bệnh nhân”, vị lãnh đạo này chia sẻ.

Sổ khám bệnh chỉ để kẹp, đựng giấy tờ

Đại diện Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho hay hiện nay sổ khám bệnh bằng giấy chỉ có chức năng ghi thông tin hành chính của người bệnh. Sổ khám bệnh giấy còn có một “nhiệm vụ” khá đặc biệt là dùng để kẹp, đựng giấy tờ.

“Đối với một số bệnh nhân là người cao tuổi, đãng tai hoặc suy giảm trí nhớ thì sổ khám bệnh giúp các cụ thuận tiện hơn là kẹp các phiếu khám không làm rơi. Tuy nhiên chỉ trong một số trường hợp các cụ cao tuổi mới dùng sổ khám bệnh giấy, còn lại các bệnh nhân đến thăm khám không cần thiết phải dùng đến sổ khám bệnh giấy nữa”, đại diện bệnh viện nói.

* Ông Dương Huy Lương (phó cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế):

Bỏ sổ khám bệnh giấy là điều cần làm

Việc bỏ sổ khám bệnh giấy là điều cần làm và Bộ Y tế cũng đang phối hợp với Bộ Công an để thực hiện. Hai bộ đang triển khai đề án 06, trong đó mỗi người dân sẽ được tạo một hồ sơ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID. Sổ sức khỏe điện tử đã thí điểm triển khai ở Hà Nội và đã báo cáo rất thành công. TP.HCM, Khánh Hòa… cũng đã triển khai thí điểm.

Lộ trình chúng tôi đặt ra khoảng cuối năm nay sẽ triển khai khắp cả nước, tuy nhiên có những khó khăn. Đó là để làm được sổ sức khỏe điện tử cần có dữ liệu cá nhân của nhiều người, điều này cần có cả dữ liệu dân cư của Bộ Công an. Bên cạnh đó, hiện tỉ lệ người dân sử dụng thiết bị thông minh còn hạn chế, không phải ai cũng có điện thoại thông minh để sử dụng sổ sức khỏe điện tử. Vì vậy lộ trình này cũng đang được đánh giá thay đổi phù hợp với bối cảnh.

* Ông Nguyễn Hữu Tùng (phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM):

Khuyến khích bệnh viện không giấy tờ

Các quốc gia trên thế đã bỏ sổ khám bệnh mấy chục năm qua. Với 90% người dân Việt Nam dùng điện thoại di động có kết nối Internet và Bộ Y tế đã khuyến khích các bệnh viện không giấy tờ, theo tôi, các bệnh viện nên chuẩn bị “đường lối” dần tiến tới sổ khám bệnh điện tử. Việc này sẽ giúp các bệnh viện giảm thủ tục hành chính, vật tư tiêu hao, văn phòng phẩm… và nhân viên y tế sẽ có nhiều thời gian hơn cho bệnh nhân.

Bệnh nhân chờ khám bệnh với xấp sổ trong tay - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Bệnh nhân chờ khám bệnh với xấp sổ trong tay – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Nhiều nơi đã bỏ sổ khám bệnh, tiết kiệm tiền tỉ

Thực tế có nhiều bệnh viện tư ở TP.HCM đã triển khai thành công hồ sơ bệnh án điện tử (bao gồm sổ khám bệnh), điều này khiến việc khám bệnh của người dân trở nên gọn nhẹ.

Bệnh viện Tâm Anh cho biết hiện nay khi người bệnh đến khám không cần đóng phí mua sổ khám bệnh, thay vào đó sẽ được cấp mã số khách hàng trên hệ thống dữ liệu để ghi lại các kết quả đã khám tại tất cả các bệnh viện và phòng khám thuộc hệ thống bệnh viện.

“Sau khi hoàn tất quá trình khám, người bệnh có thể xem kết quả cận lâm sàng trực tuyến bằng cách quét/scan mã QR do bệnh viện cung cấp. Ngoài ra cũng có thể nhận kết quả bản cứng tại bệnh viện hoặc thông qua thư điện tử, hoặc bản cứng gửi bằng đường bưu điện”, đại diện bệnh viện nói.

Đại diện hệ thống Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cũng cho biết đơn vị có hai bệnh viện triển khai thành công bệnh án điện tử. “Với người bệnh khi đến khám sẽ không mang theo bất kỳ giấy tờ gì, chỉ cần mang theo CCCD là có thể khám chữa bệnh. Toàn bộ thông tin khám chữa bệnh, lịch sử khám đã được cập nhật trên hệ thống, các y bác sĩ sẽ có công cụ để tra cứu. Đồng thời các kết quả cận lâm sàng bệnh nhân cũng có thể tự động xem được thông qua điện thoại thông minh hoặc các thiết bị khác”.

Tại Hà Nội, từ tháng 11-2023, UBND TP Hà Nội đã phối hợp Bộ Y tế, Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đơn vị liên quan triển khai thí điểm tích hợp sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID.

Thời gian qua, TP đã tổ chức kết nối thí điểm liên thông dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của 50 bệnh viện, 39 phòng khám đa khoa, 297 trạm y tế với hơn 3,5 triệu hồ sơ đã được chuyển thành công lên cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, sẵn sàng hiển thị trên ứng dụng VNeID.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, việc thay thế sổ khám bệnh giấy và sổ tiêm chủng giấy bằng sổ sức khỏe điện tử trong thời gian qua đã tiết kiệm khoảng 83 tỉ đồng và các chi phí phát sinh khác.

Từ khi sử dụng sổ sức khỏe điện tử được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử VNeID, khi đi khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, chị Huệ (Hà Nội) không còn phải mang nhiều giấy tờ như trước nữa, sổ sức khỏe điện tử đã thay thế sổ khám bệnh giấy.

Chị Huệ chia sẻ trước đây mỗi khi quên sổ khám bệnh ở nhà, chị lại phải mua sổ khám bệnh khác để điền thông tin. Nhưng hiện với sổ sức khỏe điện tử, chị không cần phải mua lại sổ khám giấy nữa. Qua sổ sức khỏe điện tử, chị Huệ cũng có thể tự cập nhật thông tin sức khỏe của mình để nhận được sự tư vấn của các chuyên gia.

Đồng Nai: cử tri kiến nghị bỏ sổ khám chữa bệnh

Tại chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, nhiều cử tri tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị bỏ sổ khám chữa bệnh để tránh lãng phí.

Ông Đặng Xuân Thành, cử tri xã Trà Cổ, huyện Tân Phú (Đồng Nai), cho biết khi đi khám bệnh tại các cơ sở y tế buộc phải mua sổ khám bệnh nhưng bác sĩ cho đơn thuốc lại không ghi vào sổ. Việc mỗi khi đi khám chữa bệnh đều phải mua một cuốn sổ mới, theo ông, “rất lãng phí mà không mang lại nhiều hiệu quả với bệnh nhân”. Do đó ông đề nghị Bộ Y tế bỏ thủ tục này bởi hiện nay bệnh viện đã công nghệ hóa, in ra bằng máy tính.

Ông Nguyễn Lộc, phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Phú, đánh giá kiến nghị của cử tri là chính xác và đang trên lộ trình thực hiện của Bộ Y tế, dần tiến tới xóa bỏ những thủ tục, giấy tờ này. “Sổ khám bệnh hiện giờ đã có một vài nơi chỉ còn bìa, một vài nơi có sổ để kẹp toa thuốc của bệnh nhân một cách rõ ràng bằng chữ in cho bệnh nhân dễ dàng đọc chứ không còn viết tay nữa”, ông Lộc nói.

Bác sĩ Nguyễn Tất Trung, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cho biết thực tế không ép buộc bệnh nhân phải mua sổ vẫn có thể khám và điều trị bình thường.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, mỗi ngày có khoảng 4.000 bệnh nhân vào khám chữa bệnh nhưng đến 3.900 bệnh nhân tái khám định kỳ, chỉ còn 100 bệnh nhân mới, song chỉ 40 – 50 người mua sổ khám bệnh. “Người khám bệnh định kỳ mua sổ để lưu trữ nội dung tháng trước cần xét nghiệm gì, khám gì, mua thuốc sao… như vậy sẽ thuận tiện hơn nhiều”, bác sĩ Trung nói thêm.

Ở các nước, dữ liệu sức khỏe được tích hợp

Thông tin do Hãng tư vấn McKinsey & Company tổng hợp, dữ liệu sức khỏe bệnh nhân ở Đan Mạch được tự động tích hợp vào Cổng y tế quốc gia sundhed.dk. Hệ thống này của chính phủ sẽ bao gồm các thông tin về tình trạng sức khỏe, tiền sử y tế, đơn thuốc và một số thông tin sức khỏe khác của mỗi cư dân. Việc cung cấp thông tin bệnh nhân lên Cổng y tế quốc gia là bắt buộc đối với mỗi chuyên gia y tế (hay bác sĩ). Khi khám chữa bệnh, bệnh nhân cũng không được từ chối hệ thống này.

Hệ thống thông tin sức khỏe cư dân có các quy tắc và quy định nghiêm ngặt được áp dụng cho việc truy cập và sử dụng hệ thống hồ sơ y tế điện tử đối với các bác sĩ được ủy quyền. Bệnh nhân cũng có quyền tự truy cập hệ thống hồ sơ sức khỏe của mình. Trong đó, hệ thống sẽ hiển thị tất cả các lần yêu cầu truy cập dữ liệu của các bác sĩ.

Tại Singapore, quốc gia này từ năm 2011 đã duy trì một kho lưu trữ trung tâm hồ sơ sức khỏe của cư dân. Tuy nhiên tính đến tháng 10-2023, chỉ có khoảng 15% các bên cung cấp dịch vụ y tế tư nhân tham gia vào hệ thống lưu trữ điện tử quốc gia này.

Nhằm khuyến khích việc chia sẻ dữ liệu giữa các dịch vụ chăm sóc y tế, Chính phủ Singapore vào đầu năm 2024 đề xuất dự luật “Thông tin chăm sóc sức khỏe” (HIB), trong đó quy định việc chia sẻ dữ liệu sức khỏe là bắt buộc.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *