Chữa viêm mũi dị ứng bằng đông y như thế nào?

Triệu chứng của viêm mũi dị ứng thường gặp là hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, nhức đầu… – Ảnh minh họa/ Nguồn: Getty

Bệnh khó chữa khỏi hoàn toàn và hay tái diễn

Bác sĩ Trần Chiến Thắng – Khoa Ngũ quan (Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Hưng Yên) cho biết, viêm mũi dị ứng là một bệnh khá phổ biến. Khí hậu ngày càng khắc nghiệt, ô nhiễm môi trường tăng, tỉ lệ mắc bệnh viêm mũi dị ứng cao hơn.

Viêm mũi dị ứng không quá nghiêm trọng nhưng lại không thể chữa khỏi hoàn toàn và hay tái diễn theo sự thay đổi của thời tiết.

Nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng có thể khác nhau, phụ thuộc vào sự xuất hiện triệu chứng theo mùa, quanh năm hoặc từng đợt như phấn hoa và bụi nấm mốc ngoài trời, bụi trong nhà… 

Thức ăn cũng gây viêm mũi dị ứng, tùy theo từng người, triệu chứng dị ứng ở mũi thường kèm với triệu chứng ở da, đường ruột – dạ dày, phổi.

Triệu chứng của viêm mũi dị ứng thường gặp là hắt hơi, chảy nước mũi (trong, không dính), nghẹt mũi, nhức đầu, ngứa họng và ho… Đây là những triệu chứng khiến người bệnh dễ nhầm tưởng mình bị cảm.

Theo đông y, viêm mũi dị ứng là chứng tỵ cừu (chảy nước mũi), tỵ tắc (ngạt mũi). Nguyên nhân xuất phát từ tạng phế, tỵ bị suy giảm khiến cho vệ khí không được bền chặt, tà khí dễ xâm nhập phế kinh làm cho phế khí mất tuyên giáng mà gây nên các chứng chảy nước mũi, hắt hơi, sổ mũi, hay tắc mũi…

Viêm mũi dị ứng phát sinh do hai nguyên nhân: Công năng tạng phủ (chủ yếu là phế, tỳ) bị rối loạn; bị phong hàn, tà khí xâm nhập. Hai yếu tố này có thể phối hợp với nhau, khiến phế khí hư nhiệt, sức đề kháng giảm sút, dễ sinh bệnh.

Theo bác sĩ Thắng, nguyên tắc chữa viêm mũi dị ứng của đông y là bồi bổ chính khí giúp tăng cường lưu thông khí huyết tạng phủ, cân bằng âm dương, nâng cao chính khí, bảo vệ cơ thể;

Sử dụng các vị thuốc có tác dụng khu phong, tán hàn, thẩm thấp, thanh nhiệt, giải độc, kháng viêm, kháng khuẩn.

Chữa viêm mũi dị ứng bằng đông y như thế nào? - Ảnh 2.

Tùy vào từng thể bệnh viêm mũi dị ứng mà thầy thuốc đông y sẽ kê các bài thuốc phù hợp – Ảnh minh họa

Bài thuốc theo từng thể bệnh

Tùy vào từng thể bệnh viêm mũi dị ứng mà thầy thuốc đông y sẽ kê các bài thuốc phù hợp:

– Thể hàn thấp: Các triệu chứng thường gặp như chảy nước mũi trong, hắt hơi nhiều, ngạt mũi, thường xuất hiện hoặc tăng lên khi gặp lạnh. Sử dụng các bài thuốc có công dụng khu phong, trừ hàn, làm giảm xuất tiết và thông lỗ mũi.

– Thể phong hàn: Các triệu chứng như đau đầu, đau cổ gáy, hắt hơi, sổ mũi và ngạt mũi nhiều, bệnh phát về mùa lạnh và gặp lạnh thì các triệu chứng nặng lên. Các bài thuốc có tác dụng khu phong, tán hàn, làm thông mũi.

– Thể âm hư: Với các triệu chứng như mũi khô, ngạt, hắt hơi và chảy nước mũi nhiều, miệng khô, họng khát, người gầy, hay có cảm giác nóng sốt về chiều, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ. Sử dụng các bài thuốc có công dụng dưỡng phế âm, thông mũi.

– Thể chất hư nhược: Trường hợp bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng có thể chất hư nhược khiến cho phong tà xâm nhập với các triệu chứng tắc mũi, hắt hơi, chảy nước mũi nhiều, tinh thần mỏi mệt, chán ăn, dễ đổ mồ hôi. Thường dùng các bài thuốc có công dụng bổ khí, làm thông thoáng lỗ mũi.

Bên cạnh việc dùng thuốc cần kết hợp các biện pháp không dùng thuốc như xông mũi bằng nước đun từ vỏ bưởi, sả, lá bạc hà, tỏi, hành tím… lấy hơi tinh dầu, tạo cảm giác thông thoáng khi thở.

Hoặc sử dụng các loại thảo dược có tính kháng viêm, có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng như: bạc hà, tân di, lá khế… 

Có thể dùng đơn lẻ hoặc phối hợp với các vị thuốc khác theo chỉ định của thầy thuốc đông y. Người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc mà bệnh không khỏi, thậm chí có thể nặng lên hoặc gặp những rủi ro do sử dụng thuốc sai.

Phương pháp ấn huyệt, đắp thuốc cũng giúp hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng

Để cắt các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi tức thì, day bấm một số huyệt quanh vùng mũi: Hai huyệt nghinh hương nằm ngang với phía dưới cánh mũi, ngang sang hai bên khoảng 5mm. Hai huyệt tứ bạch, nằm cách chỗ lượn của góc sống mũi và cánh mũi, ngang sang hai bên, khoảng 5mm. Huyệt tố liêu, chỗ nhô cao của đầu mũi.

Dùng đầu ngón tay trỏ ấn mạnh nhiều lần vào huyệt. Các huyệt này vừa có tác dụng tức thì vừa lâu dài. Do vậy hàng ngày có thể tiến hành tác động nhiều lần vào các huyệt nói trên.

Phòng ngừa viêm mũi dị ứng thế nào?

Tránh các tác nhân gây bệnh, như tránh hít phải khói, bụi, phấn hoa, cánh bướm, lông thú, sơn ta, xăng dầu, hơi hóa chất…;

Hạn chế tối đa việc nuôi chó, mèo trong nhà hoặc cho chúng ngủ trên giường;

Định kỳ vệ sinh chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm, màn cửa; Môi trường sống, học tập, làm việc cần thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt để hạn chế nấm mốc phát triển.

Về ăn uống, tránh các thức ăn có thể gây dị ứng như nhộng tằm, cá ngừ, tôm, cua ghẹ… Ngoài ra, chú ý giữ vệ sinh răng miệng, đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy;

Hạn chế tối đa việc hút thuốc lá; tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với bụi; đeo khẩu trang khi quét dọn nhà và khi ra đường, giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển mùa;

Tập thể dục đều đặn, có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tuân thủ lối sống khoa học, lành mạnh, giữ cho tinh thần luôn sảng khoái, ngủ đủ, chất lượng giấc ngủ tốt… giúp nâng cao sức đề kháng.

Chữa viêm mũi dị ứng bằng đông y như thế nào? - Ảnh 3.Khổ sở vì viêm mũi dị ứng

Bệnh viêm mũi dị ứng tuy không nguy hiểm, nhưng gây nhiều phiền toái cho người mắc, nếu không điều trị, bệnh có thể gây biến chứng nặng hơn.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *