Đứt gân gót khi đang chơi đá bóng
Đam mê bóng đá nên anh M.M. (31 tuổi, Lâm Đồng) thường xuyên cùng bạn bè, đồng nghiệp đá bóng vào cuối mỗi buổi chiều.
Ngày 9-7, đang tham gia trận đá bóng, khi dùng chân di chuyển bóng anh M. bỗng dưng nghe tiếng rắc mạnh từ phía sau, ngã quỵ, gót chân đau nhức.
Cơn đau nhức ngày càng dồn dập, cảm giác gót chân lỏng lẻo khiến anh M. không nhấc chân được, đi lại khó khăn. Anh được gia đình đưa tới bệnh viện tỉnh khám, tại đây bác sĩ chẩn đoán đứt gân gót chân.
Anh M. được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 trong tình trạng khó di chuyển, chân đau nhức. Sau thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán đứt gân gót chân. Sau một ngày phẫu thuật, vết thương hồi phục, anh M. tiếp tục được tập vật lý trị liệu.
BS Trần Vũ Đăng Khánh – khoa điều trị theo yêu cầu và y học thể thao Bệnh viện Nhân dân 115 – cho biết gân gót (Achilles tendon) đóng vai trò quan trọng trong hoạt động di chuyển.
Đây là gân lớn nhất và mạnh nhất trong cơ thể, kết nối các cơ ở bắp chân với xương gót chân, giúp chúng ta thực hiện các động tác như chạy, nhảy và đứng trên đầu ngón chân.
Đối với những người đam mê và chơi thể thao liên quan đến chân, chấn thương gân gót là một vấn đề thường gặp.
Cụ thể, một số môn thể thao dễ gặp chấn thương đứt gân gót như: chạy bộ, bóng đá, bóng rổ hay tennis đòi hỏi nhiều sức mạnh và độ bền từ gân gót. Các động tác đột ngột, xoay người hay nhảy cao có thể gây ra tổn thương gân gót, thậm chí dẫn đến đứt gân gót.
Đứt gân gót thường xảy ra đột ngột và có thể đi kèm với một tiếng “pốp” ngay tại thời điểm chấn thương. Người bị chấn thương sẽ cảm thấy đau nhói ở gót chân và bắp chân, mất khả năng đi lại bình thường, không thể đứng trên đầu ngón chân và cảm thấy lỏng lẻo ở vùng gót chân.
Khâu kín gân gót giảm gánh nặng cho người bệnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Ngô Thành Ý – phó khoa điều trị theo yêu cầu và y học thể thao Bệnh viện Nhân dân 115 – cho biết kỹ thuật mổ mở truyền thống để điều trị đứt gân gót hiện đang được thực hiện tại hầu hết các bệnh viện, dù hiệu quả nhưng vẫn còn tồn tại một số nhược điểm như: vết mổ lớn thường từ 10-15cm, mất máu nhiều.
Đồng thời người bệnh còn có nguy cơ nhiễm trùng cao, thời gian nằm viện lâu và sẹo lớn sau phẫu thuật có thể gây co rút, dày dính sẹo.
Những yếu tố này không chỉ gây đau đớn mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ và khả năng vận động của bệnh nhân.
Nhằm khắc phục những nhược điểm trên, Bệnh viện Nhân dân 115 đã triển khai thành công kỹ thuật khâu kín gân gót dưới hướng dẫn của siêu âm.
Phương pháp này sử dụng công nghệ siêu âm để xác định chính xác vị trí và mức độ tổn thương, từ đó bác sĩ có thể thực hiện khâu kín gân gót một cách chính xác và ít xâm lấn.
Kỹ thuật khâu kín gân gót dưới hướng dẫn của siêu âm mang lại nhiều ưu điểm vượt trội so với mổ mở truyền thống: kỹ thuật này chỉ cần những vết rạch nhỏ, giúp giảm thiểu tổn thương mô xung quanh và nguy cơ nhiễm trùng.
Người bệnh hồi phục nhanh chóng, thời gian hồi phục ngắn hơn, giúp nhanh chóng trở lại với các hoạt động thể thao và sinh hoạt hằng ngày. Đồng thời giảm đau đớn, vết mổ nhỏ hơn đồng nghĩa với việc đau đớn sau phẫu thuật cũng giảm đáng kể, sẹo nhỏ hơn và ít thấy, giúp cải thiện thẩm mỹ cho bệnh nhân…
Chơi thể thao lưu ý gì tránh đứt gân gót?
Bác sĩ Ý khuyến cáo không nên tập thể thao quá sức dẫn đến quá tải. Nên khởi động làm nóng thật kỹ trước khi chơi thể thao, thả lỏng sau khi chơi và chọn giày phù hợp với bàn chân của mỗi người, đế giày phải êm.
Đồng thời chú ý đến chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế chơi thể thao lúc trưa nắng hoặc khuya quá vì lúc đó cơ thể mệt mỏi cần được nghỉ ngơi.
Khi bị chấn thương gân gót cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị hợp lý. Hạn chế chích thuốc kháng viêm trực tiếp vào gân vì nếu không đúng chỉ định sẽ làm tăng nguy cơ bị đứt gân gót.
Những trường hợp bị đứt gân gót đã từng chích thuốc kháng viêm tại chỗ sẽ rất khó lành khi khâu nối.