Ông Tống Văn Dũng đi bộ đội năm 1978 ở chiến trường biên giới Tây Nam; từng bị bắn trúng vào dây thần kinh ở chân phải, nằm viện chữa trị xong ông tiếp tục cầm súng chiến đấu. Tháng 11-1983, ông xuất ngũ.
Sáng tạo phục vụ cộng đồng
Tuy mới học hết lớp 7 nhưng ông có khả năng quan sát và học hỏi rất nhanh, thích mày mò sáng tạo ra các sản phẩm để phục vụ cho cuộc sống. Trong một lần nhìn những người thợ đào giếng lấy tay xóc xóc đoạn ống một lúc thì nước bật lên, ông nảy ra ý tưởng sử dụng cách này để làm ra một hệ thống bơm nước.
Suốt ba năm, sân thượng nhà ông biến thành xưởng thực nghiệm với đủ các loại sắt vụn, ốc vít, dây dợ.
Với sự kiên trì, quyết tâm, cuối cùng ông tạo ra được một hệ thống đưa nước lên cao tiết kiệm năng lượng với các vật liệu từ những món phụ tùng phế thải như xích, vòng bi, vành xe đạp. Dù hệ thống này khá phù hợp với vùng nông thôn do chi phí rẻ hơn gấp nhiều lần so với máy bơm bày bán trên thị trường, nhưng ông Dũng cũng thừa nhận nhược điểm của hệ thống là cồng kềnh.
Tháng 10-2005, sản phẩm đã theo chân ông vào tận TP.HCM để tham gia một hội chợ về công nghệ và thiết bị, thu hút sự quan tâm cũng như nhiều lời đề nghị chuyển giao công nghệ.
“Tôi làm ra là để phục vụ bà con, giúp mọi người tiết kiệm một khoản chi phí chứ không phải để bán. Chính vì vậy tôi cũng không nghĩ đến việc phải đi đăng ký bản quyền. Giúp bà con bỏ ra chi phí rẻ mà lại hiệu quả là tôi hạnh phúc rồi”, ông Dũng bày tỏ.
Tại vườn hoa trước cửa Trường đại học Thủy lợi hiện vẫn còn một chiếc xà tập đa năng do ông tự chế, với nhiều chức năng khác nhau. Thường xuyên tập luyện tại đây vào các buổi sớm, bà Nguyễn Thị Kim (phường Thượng Đình) chia sẻ: “Cái xà này rất thuận tiện cho cả nam nữ, trẻ già đều có thể sử dụng”.
Những người cao tuổi hoàn toàn có thể chơi một môn thể thao nào đó. Và thử hình dung xem, thay vì ngủ nướng thêm một giờ mỗi ngày, họ vui vẻ tập luyện, họ tìm thấy niềm vui, đỡ phải vào bệnh viện, phụ thuộc con cháu – thì giảm tải gánh nặng về bệnh tật và gánh nặng cho xã hội rất nhiều.
Ông Tống Văn Dũng
Chạy để thắp lên ngọn lửa Olympic cho người cao tuổi
Do di chứng của lần bị thương nên ông bước đi có phần hơi tập tễnh, vì vậy ông Dũng quyết tâm tập chạy bộ mỗi ngày 5km.
Năm 2019, có người rủ ông chạy vòng quanh hồ Tây. Ông nghĩ chạy một vòng quanh hồ Tây cũng phải 17km thì khó mà thực hiện được. Nghĩ vậy, nhưng ông cũng muốn thử sức mình. Không ngờ ông chinh phục 17km. Từ đó ông bắt đầu đặt mục tiêu chạy dài.
“Để duy trì dậy được lúc 4h sáng để chuẩn bị chạy, đòi hỏi phải thực sự kỷ luật thép với bản thân và nghiêm túc với mục tiêu. Khi chạy dài, mình luôn phải nở nụ cười, nghĩ một điều gì đó tích cực. Điều đó giúp quên đi cái đau nhức”, ông Dũng nói về “bí quyết” giữ sức bền của mình.
Ngọn lửa đam mê với chạy bộ đưa ông đến với giải chạy đầu tiên tại Quy Nhơn – chinh phục 21km vào năm 2019. Sau đó ông xuất hiện trong nhiều giải Marathon khác tại Hà Nội, Huế.
Thành tích cao nhất ông đạt được là chinh phục 42km với thời gian 3 giờ 46 phút tại giải Marathon Long Biên năm 2023.
Bà Đỗ Thị Hương Giang (46 tuổi) – một người đam mê chạy bộ, có cùng cung đường luyện tập với ông Dũng – chia sẻ: “Anh Dũng từng bảo anh kiên trì dậy sớm mỗi ngày chạy bộ là tiết kiệm được 10.000 đồng, không phải đi viện. Nhìn các bạn cùng tuổi hiện người tiểu đường, người bệnh tim mạch hay huyết áp… thì tôi thấy anh đã tiết kiệm được nhiều hơn số 10.000 đồng ấy rất nhiều”.
Người lính trinh sát năm xưa đang đặt mục tiêu chạy 365 ngày liên tục, bất kể thời tiết. “Mọi người hằng ngày đi làm, trẻ con đi học thì tôi phải đi chạy, chạy hết 42km tôi mới được nghỉ. Coi như tôi là người đang đi làm”, ông Dũng ví von.
Ông cũng mong ông sẽ là một đốm lửa để nhen nhóm, thổi bùng lên ngọn lửa tham gia Olympic của những người cao tuổi trong tương lai. Bởi theo ông Dũng, nếu có những người cao tuổi tham gia Olympic, xã hội sẽ càng tạo ra sân chơi cho họ, quan tâm đến việc tạo ra môi trường cho người cao tuổi sống vui sống khỏe.