Chiều 2-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc.
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, sau hơn 4 tháng mở rộng thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế đã bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đem lại thuận tiện và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân.
Cụ thể, Hà Nội tiếp nhận hơn 45.000 hồ sơ, Thừa Thiên Huế tiếp nhận hơn 5.000 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, chiếm hơn 70% tổng số hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của hai tỉnh thành.
Ước tính mỗi hồ sơ tiết kiệm khoảng 10.000 đồng tiền xăng xe, đi lại và công sức chờ đợi, 150.000 đồng tiền công trung bình nửa ngày công của người dân, với nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp ở Hà Nội.
Hiện nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp hàng năm là khoảng 2,6 triệu trên cả nước, khi người dân thực hiện đăng ký giúp tiết kiệm khoảng 400 tỉ đồng mỗi năm cho người dân và xã hội.
Hiện Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ Tư pháp về việc mở rộng thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID toàn quốc từ 1-10-2024 đến hết 30-6-2025.
Tại hội nghị trực tuyến, bà Trần Thị Diệu Thúy – phó chủ tịch UBND TP.HCM – cho hay TP hiện là một đô thị lớn với số lượng dân cư đông, đi kèm với đó TP sẽ phải tiếp nhận và giải quyết lượng hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp rất lớn.
Số lượng hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp TP tiếp nhận và giải quyết mỗi ngày lên tới khoảng 650-800 hồ sơ, có ngày tiếp nhận gần 1.000 hồ sơ và có xu hướng gia tăng.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, TP đã cấp 109.513 phiếu lý lịch tư pháp, tăng 20.627 hồ sơ so với cùng kỳ 2023 (tăng 23%).
Để phấn đấu cắt giảm thời gian cấp phiếu lý lý lịch tư pháp, bà Thúy cũng cho biết TP sẽ xây dựng, tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
Thủ tướng giao UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương khẩn trương nâng cấp hệ thống giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo kết nối thông suốt với các phần mềm nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hoàn thành trong năm 2024.
Rà soát, làm sạch dữ liệu về lý lịch tư pháp, án tích, xóa án tích, đồng bộ, rút ngắn thời gian cấp phiếu và xử lý thủ tục hành chính cho người dân, hoàn thành trong năm 2024.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an kết nối với cơ sở dữ liệu của Tòa án, Viện Kiểm sát trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.