Cả nhà lây nấm từ mèo
Mới đây, bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam tiếp nhận trường hợp gia đình chị H.P.A. (Hà Nội), đến khám trong tình trạng da xuất hiện nhiều tổn thương.
Trên da nổi rõ các mảng có mụn nước tróc vảy, bờ nổi gồ, lan rộng dần nằm rải rác ở 2 cánh tay, cẳng chân và đùi, có khi ở ngực hay những nơi khác trên cơ thể, các nốt ngứa ngáy khó chịu.
“Các vết tổn thương trên da của cả ba người đều điển hình cho bệnh nấm da (bệnh da do nấm sợi – Dermatophytoisis ). Đây là bệnh lý rất phổ biến ở những vùng khí hậu nóng ẩm như nước ta”, BS Thành cho biết.
Theo lời kể của chị A., hai tuần trước khi các triệu chứng xuất hiện, con gái chị đã mang về một chú mèo hoang, chú mèo hay gần người và hay được trẻ ôm, bế.
Sau một tuần, cả nhà bắt đầu cảm thấy ngứa và xuất hiện các vết tổn thương trên da, tổn thương ngày càng lan rộng. Gia đình cho biết thêm, chưa từng nuôi mèo trước đây.
Kết quả xét nghiệm soi tươi tìm nấm ở tổn thương gia đình chị A. cho thấy sự hiện diện của sợi nấm có vách ngăn. Đây là một chủng nấm có thể lây nhiễm từ động vật sang người.
BS Tiến Thành giải thích bệnh nấm da có thể lây từ động vật bị nhiễm sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua các vật dụng như chăn, màn, quần áo. Chúng cũng có thể lây giữa người với người, đặc biệt trong điều kiện sinh hoạt tập thể hoặc sử dụng chung đồ dùng cá nhân.
Điều kiện nóng ẩm ở Việt Nam là môi trường lý tưởng để các loại vi nấm phát triển mạnh mẽ. Khi tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh, đặc biệt là chó, mèo không được chăm sóc vệ sinh đúng cách, nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Bệnh nấm da không kiểm soát có thể lan rộng
Theo BS Thành bệnh nấm da không phải là bệnh nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại gây ra nhiều phiền toái. Người bệnh thường cảm thấy ngứa, khó chịu, tổn thương có thể lan rộng nếu không được điều trị đúng cách.
Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh có thể lan rộng nhiều vùng cơ thể, ngứa gãi dẫn đến chàm hóa hoặc bội nhiễm. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bên cạnh đó, khi nhiễm nấm, người bệnh thường cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Nếu gãi, nấm có thể lây lan, khiến tình trạng trầm trọng hơn. Vì vậy, cần giữ cơ thể sạch sẽ, đặc biệt ở vùng nhiễm nấm, và tránh dùng sữa tắm hay xà phòng có tính tẩy mạnh.
Nên chọn các sản phẩm tắm dịu nhẹ, giúp làm sạch da mà không gây khô hay kích ứng. Sau khi tắm, cần thấm khô cơ thể và thoa kem dưỡng ẩm lên vùng da bị tổn thương để giảm ngứa, tăng cường tái tạo da.
Nấm da có khả năng lây lan nhanh, vì vậy, tránh gãi, cào lên vùng nhiễm. Nên cắt móng tay ngắn để không làm tổn thương thêm.
Cần vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, thay giặt chăn ga, rèm cửa và các vật dụng tiếp xúc với da. Nếu nuôi chó mèo, nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, tẩy giun, và đặc biệt đưa thú cưng đến bác sĩ thú y khi thấy có dấu hiệu bệnh về da để phòng tránh lây nhiễm sang người.
BS Thành khuyến cáo để phòng tránh bệnh nấm da lây qua thú cưng, người nuôi cần vệ sinh và kiểm tra sức khỏe cho thú cưng.
Thú cưng như chó, mèo, thỏ cần được giữ sạch sẽ, tẩy giun định kỳ. Nếu phát hiện thú cưng có dấu hiệu bệnh da liễu (rụng lông, mảng da bị bong tróc), cần đưa đến bác sĩ thú y để điều trị ngay.
Ngoài ra, khi bị nhiễm nấm da do tiếp xúc với chó, mèo… bệnh nhân cần lưu ý vệ sinh cá nhân thường xuyên, tránh mặc quần áo ẩm ướt.
Cần đun sôi, là quần áo thường xuyên hoặc phơi quần áo dưới ánh nắng mặt trời, nhất là quần áo lót. Tránh tiếp xúc với các nguồn lây như chó, mèo… Tuyệt đối không dùng chung quần áo, chăn màn với người mắc bệnh, tránh tắm xà phòng.