Đến cơ sở thẩm mỹ với mong muốn cắt mỡ ở mí mắt đã có biểu hiện chảy xệ, bà Lan (62 tuổi, Hà Nội) ngại ngùng chia sẻ do mỡ mắt dày che lấp tầm nhìn, khuôn mặt lúc nào nhìn cũng ủ ê nên muốn phẫu thuật cắt bỏ.
Tuổi nào cũng cần làm đẹp
“Chồng tôi phàn nàn ở tuổi này rồi cần gì phải đẹp nhưng tôi nghĩ rằng ở tuổi nào thì cũng phải đẹp, thêm nữa nó còn khiến tôi khó nhìn nên tôi nhất quyết làm”, bà Lan nói.
Bà Lan nói thêm ở vùng ngoại ô Hà Nội nơi bà sinh sống cũng rất nhiều “đồng niên” của bà đi làm đẹp. Người đi chữa nám, người xăm môi, xăm mí, có người còn căng da mặt. Thế nhưng không phải ai làm đẹp xong cũng đẹp, cũng nhiều người do không lựa chọn cơ sở uy tín mà chữa “lành thành què”, chẳng đẹp bằng lúc chưa làm đẹp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Tống Hải, phó giám đốc Trung tâm thẩm mỹ Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, cho rằng chị em quan tâm dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ vùng mặt như cắt mí, căng da cung mày (nâng cung mày) để bỏ đi những phần da thừa lão hóa. Bên cạnh đó, dịch vụ căng da mặt cũng được nhiều chị trung niên cân nhắc.
Kế đến đó là hút mỡ tạo hình thành bụng hoặc thu gọn ngực sa trễ, hai phẫu thuật này bắt buộc được thực hiện tại bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế.
Trung niên, cao niên làm đẹp cần cẩn trọng
Cũng đánh vào tâm lý nhiều người có nhu cầu làm đẹp gia tăng, nhiều cơ sở làm đẹp đã tung ra các gói phẫu thuật thẩm mỹ với mức giá hấp dẫn chỉ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. Phẫu thuật trẻ hóa da, căng da mặt, hút mỡ bụng, mỡ đùi, nâng ngực… đa phần được nhiều phụ nữ trung niên lựa chọn.
Liên hệ với một thẩm mỹ viện có nhiều chi nhánh tại TP.HCM nhờ tư vấn cho người thân 60 tuổi và 70 tuổi có nhu cầu nâng ngực, hút mỡ bụng. Nhân viên tại đây cho biết nâng ngực, hút mỡ bụng là loại phẫu thuật thẩm mỹ rất đơn giản, không phân biệt độ tuổi, chỉ cần có nhu cầu là có thể thực hiện.
“Bên em không phân biệt độ tuổi, sau khi thăm khám xong sẽ được các bác sĩ làm phẫu thuật. Nếu nhiều bệnh nền thì làm một loại phẫu thuật trước, loại kia làm sau”, nhân viên này tư vấn.
Tại TP.HCM, thời gian gần đây không ít trường hợp xảy ra tai biến phẫu thuật thẩm mỹ chủ yếu là nữ giới từ 40 tuổi trở lên.
Trước đó, một cụ bà 70 tuổi đến một bệnh viện thẩm mỹ trên địa bàn quận 1 (TP.HCM) để điều trị chảy xệ da mặt và thừa da mi dưới. Tại đây, bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật căng da mặt cổ, phẫu thuật thừa da mi dưới.
Sau khi phẫu thuật bệnh nhân xuất hiện lơ mơ, kích thích, ngưng thở, nhịp tim rời rạc. Bệnh nhân được xử lý theo hướng ngộ độc thuốc tê và sốc phản vệ. Mặc dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS Đỗ Quang Hùng – phó chủ tịch Hội Thẩm mỹ TP.HCM – nhận định khách hàng của thị trường phẫu thuật thẩm mỹ hiện nay phần lớn ở lứa tuổi từ 40 trở lên. Theo PGS Hùng, phẫu thuật thẩm mỹ khi lớn tuổi lo ngại nhất là biến chứng nhiễm trùng nếu người bệnh không đến đúng cơ sở thẩm mỹ được cấp phép hành nghề đúng quy định.
Một số loại phẫu thuật gây tai biến thường gặp như cấy chỉ căng da, tiêm chất làm đầy (filler), nâng ngực… Nhiều cơ sở bất chấp vì lợi nhuận, không quan tâm đến sức khỏe của khách hàng nên rất nguy hiểm.
TS Hải cũng cho rằng đối với đối tượng là phụ nữ trung niên cần cẩn trọng hơn bởi có thể đối diện với nhiều biến chứng.
“Ở độ tuổi này, nhiều người có vấn đề sức khỏe nền như huyết áp cao, tiểu đường hoặc bệnh tim, có thể làm tăng rủi ro trong quá trình phẫu thuật. Ngoài ra, khi phẫu thuật một số người có thể gặp phải tình trạng chảy máu nhiều hơn trong và sau phẫu thuật. Nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, phản ứng thuốc gây mê, gây tê, vết thương lâu lành.
Bên cạnh đó, da của phụ nữ trung niên có thể không còn đàn hồi tốt như trước, điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả thẩm mỹ. Đặc biệt, khi lớn tuổi kết quả thẩm mỹ sẽ không giống các bạn trẻ. Vì vậy, không nên phẫu thuật thẩm mỹ theo trend, các quảng cáo trên mạng. Ngoài ra, cần tìm phòng khám chuyên khoa, bệnh viện để khám xét khi làm phẫu thuật”, TS Hải khuyến cáo.
Bác sĩ Hùng khuyến cáo người ở tuổi xế chiều khi phẫu thuật thẩm mỹ cần chọn đúng cơ sở được cấp phép, chọn đúng bác sĩ có giấy phép hành nghề, các bệnh viện có khoa thẩm mỹ.
Bên cạnh đó, với những người lớn tuổi cần lưu ý nếu có nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, khi đến cơ sở uy tín sẽ được thăm khám, đánh giá kỹ tình hình xem chống chỉ định ra sao.
“Đi thẩm mỹ phải chú ý chọn cơ sở uy tín, bác sĩ có tay nghề, tuyệt đối không tin theo những lời quảng cáo không có cơ sở trên mạng xã hội”, bác sĩ Hùng nói.
Quý ông cũng đua nhau đi “độ súng”
Một trong những dịch vụ được nhiều nam giới quan tâm gần đây là tăng kích thước “cậu nhỏ”. Trong đó, nhiều nam giới lựa chọn tiêm chất làm đầy, lắp bi hay phẫu thuật và cũng không ít đấng mày râu khổ sở sau khi thực hiện dịch vụ này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Hà Ngọc Mạnh – phó giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ – cho hay bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều nam giới đến với mong muốn “độ súng” để tự tin hơn trong chuyện chăn gối.
Theo bác sĩ Mạnh, đây là nhu cầu chính đáng của nhiều người, tuy nhiên cần cẩn trọng khi thực hiện các phương pháp này.
Bác sĩ từng tiếp nhận trường hợp nam giới tiêm chất làm đầy vào dương vật để tăng kích thước, sau đó nhiễm trùng và phải phẫu thuật nạo vét, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Hoặc nam giới “độ” quá đà khiến dương vật quá lớn, chất liệu độn không đảm bảo gây đau đớn, khó khăn trong chuyện chăn gối.
“Quý ông khi có nhu cầu này cần tìm hiểu kỹ. Việc tiêm chất làm đầy hay gắn bi như phong trào hiện nay tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy, biến chứng. Phương pháp phẫu thuật, đưa chất liệu độn làm tăng kích thước dương vật là phương pháp tối ưu. Tuy nhiên, không phải nam giới nào cũng phù hợp và kích thước tăng bao nhiêu cũng cần tính toán kỹ và nên đến cơ sở chuyên khoa có uy tín để thực hiện”, bác sĩ Mạnh khuyến cáo.