Một nghiên cứu mới cho thấy giảm đáng kể thời gian lướt các thiết bị điện tử để giải trí của trẻ em xuống chỉ còn ba giờ mỗi tuần có thể dẫn đến những cải thiện đáng kể về sức khỏe tinh thần và hành vi của trẻ chỉ trong hai tuần.
Lợi ích đáng kể về sức khỏe tinh thần
Nghiên cứu do tiến sĩ Jesper Schmidt-Persson từ Đại học Southern Denmark dẫn đầu, cung cấp một chiến lược mạnh mẽ và khả thi cho các bậc cha mẹ quan tâm hạnh phúc của con cái họ trong thế giới ngày càng phát triển kỹ thuật số.
Nghiên cứu được công bố trên JAMA Network Open đã khảo sát 89 gia đình với 181 trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 4 – 17.
Một nửa số gia đình này được yêu cầu giới hạn thời gian giải trí bằng các thiết bị điện tử tối đa là ba giờ mỗi tuần cho mỗi người – giảm đáng kể so với mức trung bình 7-8 giờ mỗi ngày mà nhiều trẻ em thường sử dụng.
Kết quả rất đáng chú ý. Chỉ sau hai tuần (14 ngày) thực hiện chế độ giảm thời gian lướt các thiết bị điện tử, trẻ em trong nhóm can thiệp đã cho thấy sự cải thiện đáng kể về hành vi tổng thể và sức khỏe cảm xúc.
Bằng cách sử dụng một công cụ đánh giá được tiêu chuẩn hóa gọi là Bảng câu hỏi điểm mạnh và khó khăn (SDQ), các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những trẻ em này đã giảm bớt các khó khăn về hành vi tương đương với việc chuyển từ nhóm “ranh giới” sang nhóm “bình thường”.
Sự cải thiện nhanh chóng và đáng kể này đặc biệt đáng chú ý khi xem xét đến thời gian ngắn của nghiên cứu. Điều này cho thấy rằng ngay cả việc giảm sử dụng màn hình trong một khoảng thời gian ngắn cũng có thể mang lại lợi ích đáng kể cho sức khỏe tinh thần của trẻ em.
Những cải thiện đáng chú ý nhất được thấy ở các triệu chứng chủ quan, liên quan đến các vấn đề cảm xúc và khó khăn với bạn bè đồng trang lứa, và ở hành vi xã hội, bao gồm việc cân nhắc và giúp đỡ người khác. Điều này chỉ ra rằng việc giảm thời gian sử dụng màn hình có thể giúp trẻ em xử lý cảm xúc của mình tốt hơn và cải thiện các tương tác xã hội.
Giảm sử dụng màn hình một cách có ý thức
Tiến sĩ Schmidt-Persson nhấn mạnh rằng giới hạn ba giờ được áp dụng cụ thể cho thời gian lướt các thiết bị điện tử để giải trí, không bao gồm việc sử dụng màn hình cần thiết ở trường hoặc làm bài tập về nhà. Sự phân biệt này rất quan trọng vì nó tập trung vào việc điều chỉnh thời gian để giải trí, thay vì loại bỏ toàn bộ thời gian sử dụng màn hình.
Những phát hiện của nghiên cứu đặc biệt phù hợp trong bối cảnh kỹ thuật số ngày nay, nơi thời gian sử dụng màn hình của trẻ em đã đạt đến mức chưa từng có.
Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy nhiều trẻ em và thanh thiếu niên dành 7-8 giờ mỗi ngày để lướt màn hình chỉ cho mục đích giải trí, chưa tính thời gian sử dụng màn hình cho mục đích giáo dục.
Trong khi các nghiên cứu trước đây đã gợi ý về mối liên hệ giữa việc lướt các thiết bị điện tử quá mức và sức khỏe tinh thần kém, nghiên cứu này là một trong những nghiên cứu đầu tiên chứng minh mối quan hệ nhân quả thông qua một thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát.
Tốc độ và mức độ cải thiện mà các nhà nghiên cứu quan sát được đã cung cấp bằng chứng thuyết phục về những lợi ích tiềm tàng của việc giảm thời gian sử dụng màn hình.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khuyến cáo không nên hiểu những kết quả này như một lời kêu gọi loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng màn hình. Thay vào đó, họ ủng hộ một cách tiếp cận cân bằng hơn, trong đó các gia đình đặt ra những giới hạn hợp lý và cùng nhau tham gia vào các hoạt động thay thế.
Đối với các bậc cha mẹ đang tìm kiếm những cách thực tế để hỗ trợ sức khỏe tinh thần của con mình, nghiên cứu này đưa ra một mục tiêu rõ ràng và có thể đạt được. Đó là nhắm đến việc không lướt các thiết bị điện tử để giải trí quá ba giờ mỗi tuần.
Những phát hiện của nghiên cứu mở ra những hướng đi mới cho nghiên cứu sâu hơn, bao gồm điều tra về những tác động lâu dài của việc giảm thời gian sử dụng màn hình lâu dài, và phát triển các chiến lược thực tế để giúp các gia đình đạt được và duy trì thói quen kỹ thuật số lành mạnh hơn.