Điều đáng nói là họ bị ngứa mà chưa biết chính xác nguyên nhân dù đã làm nhiều xét nghiệm, uống thuốc đều đặn mỗi ngày trong thời gian dài…
Tại sao bỗng dưng ngứa hoài, chữa sao?
Bị ngứa gần nửa cuộc đời, chưa rõ nguyên nhân
Ở tuổi 44 nhưng anh T.D. (ngụ TP.HCM) đã bị ngứa 21 năm qua. Vào những năm đầu bị ngứa, anh D. đã đi khám tại nhiều bệnh viện ở TP.HCM, được chỉ định làm nhiều xét nghiệm và đều nhận kết luận là mề đay dị ứng vô căn. Hiện anh D. phải uống thuốc đều đặn mỗi ngày một viên để ngăn cơn ngứa tái phát.
“Những năm đầu bị ngứa, tôi cũng hoang mang lắm. Với thời gian ngứa kéo dài, tôi thấy dù không tiếp xúc phấn hoa, ăn hải sản… vẫn bị ngứa. Ngứa khủng khiếp, nhiều vị trí cơ thể nổi ửng đỏ, đến da đầu cũng ngứa, ngủ không được, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Có lúc tôi kìm nén cơn ngứa, không dám gãi nhưng da vẫn ửng đỏ và ngứa lan rộng nhiều nơi”, anh D. chia sẻ.
Cũng từng bị ngứa như anh D., nhưng chị B.N. (30 tuổi) may mắn hơn khi cơn ngứa chỉ kéo dài một ngày. Thế nhưng trong thời gian bị ngứa, chị N. không thể chịu nổi, thức gần như trắng đêm để gãi. Những vị trí gãi sau đó sưng lên từng mảng lớn nhỏ, thậm chí có chỗ còn bong da vì chị đã gãi mạnh tay.
“Vì quá ngứa nên mình phải gãi thật mạnh để “xử lý” cơn ngứa trước mắt. Thế mà càng gãi lại càng ngứa, đi tắm cũng không chấm dứt được cơn ngứa này. Không biết rõ nguyên nhân gây ngứa từ đâu, hôm sau cơn ngứa tự biến mất khi chưa kịp đi khám”, chị N. kể.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ CKII Nguyễn Vũ Hoàng – trưởng phòng tổ chức cán bộ Bệnh viện Da liễu TP.HCM – cho biết nhiều bệnh lý da có thể gây ngứa kéo dài và tái phát như viêm da cơ địa, viêm da dị ứng, vảy nến…
Tuy nhiên khi một người bị ngứa đột ngột, tái phát nhiều lần và các cơn ngứa này thường biến mất sau vài phút đến vài giờ đồng hồ (thường dưới 24 giờ), đồng thời trên da không có biểu hiện bất thường gì sau khi cơn ngứa biến mất, thì người này bị mề đay mạn tính.
Bệnh lý mề đay mạn tính được chia làm hai nhóm lớn: mề đay mạn tính có yếu tố khởi phát và mề đay mạn tính tự phát (nghĩa là không rõ nguyên nhân gây mề đay dù đã làm rất nhiều xét nghiệm để tìm nguyên nhân). Trong hai nhóm bệnh này thì mề đay mạn tính tự phát thường gặp hơn.
Cần loại trừ các bệnh lý liên quan
Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành – thành viên Hội Da liễu Việt Nam – cho hay ngứa được xác định là cảm giác khó chịu của da khiến phải muốn cào gãi chúng. Triệu chứng ngứa có thể do bệnh lý, đặc biệt là nhóm bệnh da liễu như mề đay mạn, viêm da cơ địa; viêm da tiếp xúc dị ứng; nhiễm ký sinh trùng, ghẻ; vảy nến; nấm da; ngứa vô căn, dị ứng thuốc…
Triệu chứng ngứa cũng có thể do mắc một số bệnh toàn thân như ứ mật; suy thận, các bệnh nội tiết và chuyển hóa (đái tháo đường, cường giáp, suy giáp); nhiễm ký sinh trùng; thiếu máu, thiếu sắt, thiếu các vitamin; bệnh của hệ thống thần kinh trung ương, mang thai…
“Ngoài ra có một số người bị ngứa không rõ nguyên nhân hay còn gọi là ngứa vô căn. Tỉ lệ ngứa vô căn của một số bệnh da liễu không tìm ra nguyên nhân chưa được thống kê cụ thể, nhưng theo một số báo cáo khoảng 0,5 – 1% dân số. Triệu chứng ngứa thuộc nhóm bệnh da dị ứng, cơ địa dị ứng nên có yếu tố gene (di truyền) ảnh hưởng tới bệnh”, bác sĩ Thành thông tin.
Đối với bệnh mề đay mạn tính, bác sĩ Hoàng cho biết chúng có thể xuất hiện ở bất cứ độ tuổi nào, nhưng thường gặp nhất ở người từ 25 – 55 tuổi và nữ giới thường gặp hơn nam giới. Tỉ lệ mắc bệnh rất thay đổi tùy từng vùng miền khác nhau, dao động từ 1 – 24% dân số từng mắc bệnh mề đay mạn tính một lần trong đời.
Bệnh lý này thường phải điều trị kéo dài, thời gian điều trị liên tục càng lâu thì khả năng lành bệnh càng cao.
Theo nhiều nghiên cứu, người ta phát hiện 50% bệnh nhân mề đay mạn tính có thời gian mắc bệnh dưới 2 năm. Tuy nhiên cũng có nghiên cứu cho thấy lên tới 20% bệnh nhân bị bệnh kéo dài trên 10 năm.
Có nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mề đay mạn tính tự phát chiếm tới 80% bệnh nhân bị mề đay mạn tính. Mặc dù khá thường gặp và phải điều trị kéo dài nhưng mề đay mạn tính tự phát đáp ứng rất tốt với điều trị bằng thuốc kháng histamin.
Làm sao để giảm ngứa, uống thuốc liên tục hại không?
Để giảm tình trạng ngứa, bác sĩ Thành khuyến cáo người bệnh có thể sử dụng những loại thuốc thoa, dưỡng ẩm, uống hoặc những phương án trị liệu khác (laser, ánh sáng…). Phụ thuộc từng tình huống cụ thể mà bác sĩ chuyên khoa da liễu lựa chọn phương án thích hợp nhất.
Nếu những trường hợp ngứa thông thường, đã sử dụng qua phương án chườm lạnh hoặc những loại kem bôi không kê toa thông dụng khác mà vẫn chưa cải thiện, tốt nhất người bệnh nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn.
“Có rất nhiều người nhầm tưởng việc tắm nước nóng có thể xua đi cơn ngứa, đặc biệt là ngứa toàn thân. Tuy nhiên, đó lại là lầm tưởng tai hại. Khi nhiệt độ tăng (ấm nóng) thì sẽ làm gia tăng hiện tượng ngứa, và ngược lại là mát lạnh có thể làm giảm những tác động ban đầu này”, bác sĩ Thành lưu ý.
Với bệnh nhân bị mề đay mạn tính, bác sĩ Hoàng khuyến cáo bệnh nhân cần phải uống thuốc (thường là thuốc kháng histamin) liên tục kéo dài dù trên cơ thể không còn ngứa cho đến khi bệnh lành hẳn.
Nhiều nghiên cứu đều chứng minh được rằng các thuốc kháng histamin thế hệ hai tương đối an toàn.
Gãi để giải tỏa cơn ngứa
Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành cho hay ngứa là một phản xạ bảo vệ tự nhiên của cơ thể bên cạnh những cảm nhận khác (như đau, cảm giác sờ chạm, rung, lạnh và nóng) để giúp da và cơ thể chống lại các tác nhân được nhận diện là gây hại.
Phản ứng của cơ thể khi ngứa thường sẽ gãi để giải tỏa cơn ngứa. Tuy nhiên, những tác động như cào gãi, nặn bóp đều khiến da bị kích thích, làm tổn thương bề mặt, gia tăng nguy cơ nhiễm trùng, lây nhiễm đi kèm khác (nhiễm trùng, nấm, vi rút…).
Có một số bệnh lý da thường gặp như vảy nến, sẩn ngứa, một số bệnh lý lichen, hạt cơm… có hiện tượng hình thành tổn thương mới ngay tại vị trí da bị chấn thương và khiến tình trạng ngày càng tệ hơn.