Tại kiến nghị của cử tri TP.HCM trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cử tri đề nghị có biện pháp cụ thể để nâng tỉ lệ sinh ở các vùng đô thị, không để tình trạng già hóa dân số từ đó dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động trong thời gian sắp tới.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Xu hướng mức sinh giảm, ngoài tác động về quy mô dân số còn dẫn đến tỉ trọng trẻ em dưới 15 tuổi giảm, tỉ trọng người già tăng lên.
Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Trong đó có điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ hai con như:
Bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên…
Sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con.
Đồng thời, chính quyền địa phương nghiên cứu, ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con.
Trong đó, một số nội dung hỗ trợ, khuyến khích cần thí điểm như hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình, phát triển câu lạc bộ kết bạn trăm năm, khuyến khích năm, nữ kết hôn trước 30 tuổi…
Xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp với các gia đình nuôi con nhỏ. Chú trọng quy hoạch, xây dựng các điểm trông, giữ trẻ, nhà mẫu giáo phù hợp với điều kiện của bà mẹ, nhất là các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị.
Hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở, ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em…
Bộ Y tế cũng đã nghiên cứu đưa một số nội dung hỗ trợ, khuyến khích nêu trên vào dự Luật Dân số, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào tháng 10-2025.