Bộ Y tế cảnh báo loại thuốc kháng sinh giả xuất hiện nhiều nơi

Cục Quản lý dược hướng dẫn cách phân biệt thuốc Cefixim 200 thật – giả – Ảnh: Cục Quản lý dược

Theo Cục Quản lý dược, thời gian qua, cục đã nhận được thông tin sản phẩm thuốc kháng sinh Cefixim 200 giả (Cefxim 200mg là loại kháng sinh được sử dụng khá phổ biển) xuất hiện tại nhiều tỉnh thành như Thanh Hóa, Bình Dương, Thừa Thiên Huế. Cục đã có văn bản nhắc nhở, đôn đốc các đơn vị tăng cường giám sát, phát hiện vi phạm.

Mới đây nhất, ngày 9-8, cục nhận được báo cáo của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phát hiện mẫu sản phẩm viên nén bao phim Cefixim 200 (cefixim 200 mg) có dấu hiệu giả mạo trên địa bàn. Khi kiểm tra chất lượng, lô thuốc không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu định tính cefixim theo tiêu chuẩn.

Sau khi đối chiếu xem xét, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế khẩn trương kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm của nhà thuốc.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chức năng, xác minh, truy tìm nguồn gốc của sản phẩm Cefixim 200 giả nêu trên.

Trước đó, khi phát hiện thuốc kháng sinh Cefixim 200 tại tỉnh Thanh Hóa và Bình Dương, cục đã có cảnh báo và hướng dẫn cách nhận biết thuốc giả.

Ngày 16-8 vừa qua, Công an TP Thanh Hóa cũng vừa khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh”, trong đó có thuốc Cefixim 200mg mà Cục Quản lý dược đã cảnh báo.

Theo Công an TP Thanh Hóa, trong quá trình phá án, cảnh sát của đơn vị đã khám xét khẩn cấp 5 địa điểm là nơi sản xuất, cất giấu hàng hóa, nơi làm việc của các bị can ở TP Hà Nội, Cần Thơ, Bến Tre.

Qua khám xét, công an thu giữ các sản phẩm tân dược giả chủ yếu là thuốc kháng sinh gồm: 3.258 hộp thuốc Cefixim 200mg, 657 hộp thuốc Cefuroxim 500mg…

Bằng thủ đoạn nêu trên, các bị can đã bán ra ngoài thị trường số lượng lớn thuốc tân dược giả cho người tiêu dùng.

Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra các cơ sở kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn, đảm bảo kinh doanh thuốc có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc nhập lậu.

Cảnh giác với thuốc giả

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga (Bộ Quốc phòng) cho hay Cefixim là thuốc kháng sinh khá phổ biến, điều trị nhiễm khuẩn như nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm họng do vi khuẩn, viêm amiđan, viêm tai giữa, viêm xoang…

Việc dùng thuốc Cefixim giả có thể gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe. Các chất thành phần không đảm bảo, gây độc cho gan, thận hoặc dị ứng, thậm chí có thể gây sốc phản vệ.

“Bên cạnh đó, nếu không may dùng phải thuốc giả, khiến người bệnh và bác sĩ chủ quan khiến tình trạng bệnh nặng hơn, gây khó khăn trong điều trị. Đồng thời, gây ảnh hưởng đến uy tín của bác sĩ, cơ sở y tế và các nhà sản xuất uy tín. Vì vậy, cần có những biện pháp chặt chẽ để quản lý thuốc giả.

Người dân cũng nên nêu cao cảnh giác với thuốc giả, thuốc nhái, nhất là với những sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc”, BS Hoàng khuyến cáo.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *