Bộ trưởng Y tế phản hồi đề xuất quỹ bảo hiểm y tế chi trả các dịch vụ tầm soát bệnh

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan – Ảnh: GIA HÂN

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có trả lời kiến nghị của cử tri một số tỉnh gửi trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Kiến nghị xem xét mở rộng phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế

Theo đó, cử tri tỉnh Bến Tre nêu nhiều dịch vụ khám tầm soát bệnh chi phí khá cao lại chưa được bảo hiểm y tế chi trả, nên nhiều người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn chưa được tầm soát bệnh tật đầy đủ.

Từ đó, cử tri kiến nghị xem xét mở rộng phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế với một số xét nghiệm tầm soát bệnh đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu… để người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, phát hiện bệnh sớm thì điều trị cũng thuận lợi hơn.

Nếu không tầm soát, không phát hiện bệnh kịp thời thì khi điều trị sẽ tốn kém hơn mà bảo hiểm y tế cũng phải chi trả.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay hiện nay, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế thì quỹ bảo hiểm y tế chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên với một số đối tượng.

Về kiến nghị của cử tri liên quan mở rộng phạm vi chi trả của quỹ bảo hiểm y tế với các dịch vụ tầm soát bệnh như đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu và một số xét nghiệm tầm soát khác, Bộ Y tế hiểu rõ rằng việc tầm soát, phát hiện sớm bệnh lý là vô cùng quan trọng, đặc biệt với người cao tuổi.

Tuy nhiên, dựa trên khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế, mức đóng bảo hiểm y tế, chi phí hiệu quả, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xét xét, quyết định.

Đề nghị giảm mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp

Cử tri tỉnh An Giang nêu hiện mức đóng bảo hiểm y tế với người tham gia lần đầu là 972.000 đồng/người là cao hơn so với thu nhập, mức sống của một bộ phận người dân.

Cử tri đề nghị giảm mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp để thu hút người dân tham gia bảo hiểm y tế và giảm bớt khó khăn về kinh phí khi tham gia.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng tối đa bằng 6% mức tiền lương hoặc tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở.

Trên cơ sở quy định của luật, nghị định số 146/2018 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế đã quy định mức đóng bảo hiểm y tế là 4,5%.

Dựa trên phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, Quốc hội, Chính phủ đã quy định mức đóng bảo hiểm y tế dựa trên điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và khả năng đóng góp của nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và người dân.

Để khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Lan thông tin, Luật Bảo hiểm y tế, các nghị định đã quy định các mức đóng và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hộ nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình.

Với nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, nghị định 146/2018 quy định mức đóng bảo hiểm y tế cụ thể, người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở.

Người thứ 2, thứ 3, thứ 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất.

Từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Theo quy định này, với mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng (trước 1-7-2024), mức đóng của người thứ nhất tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình là 972.000 đồng/người/năm.

Với người thứ 2, thứ 3, thứ 4, thứ 5, mức đóng sẽ giảm dần lần lượt là 688.400 đồng, 583.200 đồng, 486.000 đồng và 388.800 đồng.

Hiện nay, GDP bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 4.284 USD/năm. Với phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế được hưởng tương đối đầy đủ, mức đóng bảo hiểm y tế hiện tại được đánh giá là tương đối thấp so với các nước có điều kiện phát triển kinh tế – xã hội tương đồng.

Vì vậy, Bộ Y tế mong cử tri thấu hiểu, ủng hộ chính sách bảo hiểm y tế của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia để đảm bảo tài chính khi ốm đau, bệnh tật.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *