Công trình bệnh viện 19 tầng còn dở dang này tại phường Định Hòa (thành phố Thủ Dầu Một), trên đường Mỹ Phước – Tân Vạn, tuyến đường huyết mạch kết nối Bình Dương và TP.HCM.
Bệnh viện 19 tầng cỏ mọc, nuôi bò
Công trình bệnh viện này có nhiều cổng, nhưng cổng nào cũng chưa có rào chắn, ra vào tự do. Hầu hết các khối nhà hiện đã ngưng thi công, bên trong rộng rãi nhưng cỏ mọc um tùm. Có người chăn thả hàng chục con bò trong khuôn viên bệnh viện. Phần nóc công trình đã bám đầy rêu, bụi.
Bệnh viện 19 tầng ở Bình Dương để cỏ mọc, nuôi bò, nhìn thấy xót xa
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương 1.500 giường được dành quỹ đất rộng, diện tích xây dựng bệnh viện lên tới hơn 20.300 m2.
Ngoài khối nhà chính còn có khối kỹ thuật trung tâm, nhà quàn, trạm xử lý nước thải, bãi đậu xe, công viên cây xanh và khối giáo dục – đào tạo, ký túc xá cho học viên và thân nhân người bệnh…
Cách đó khoảng 2km, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cũ tại phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một (thường được gọi là “bệnh viện 512 giường”) lại luôn trong tình trạng quá tải, xuống cấp.
Ông Trần Ngọc Lương (63 tuổi, ngụ phường Phú Thọ) cho biết ông không khỏi bức xúc khi thấy sự tương phản giữa bệnh viện cũ và dự án bệnh viện đa khoa tỉnh mới. “Bệnh viện đa khoa 1.500 giường đáng lẽ là công trình có tầm vóc lớn, niềm tự hào của Bình Dương, nhưng nay đang là “nỗi xấu hổ” vì quá chậm” – ông Lương nói.
Thay nhà thầu ì ạch, thúc từng gói thầu
Nhiều người dân Bình Dương cũng bày tỏ sự thất vọng khi chờ quá lâu mà bệnh viện chưa thể đi vào hoạt động. Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, dự án này gồm nhiều dự án thành phần, đang có điều chỉnh chủ trương đầu tư, có tình trạng gói thầu này phải chờ gói thầu khác.
Cụ thể, dự án xây dựng khối nhà bệnh viện đạt khối lượng thực hiện từ 89% đến 92%. Tuy nhiên, dự án này cũng đang có nội dung phát sinh, đang chờ được chấp thuận nên muốn hoàn thành 100% thì kế hoạch phải chờ một năm nữa.
Trong khi đó, dự án thiết bị được coi như “phần hồn” để bệnh viện hoạt động đã được phê duyệt nhiều năm trước nay có nhiều thay đổi về kỹ thuật, công nghệ… nên phải điều chỉnh.
Ông Nguyễn Vĩnh Toàn – giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương, chủ đầu tư bệnh viện – cho biết vừa đã phải ra thông báo chấm dứt hợp đồng đối với một nhà thầu thi công thuộc dự án khối kỹ thuật trung tâm và nhà quàn.
Đây là dự án thành phần rất ì ạch, mới đạt khối lượng hơn 32%, nhưng dù chủ đầu tư đôn đốc mà nhà thầu vẫn rất chậm, một số thiết bị nhập về không đủ hồ sơ chất lượng theo thiết kế…
Đối với trạm xử lý nước thải cho bệnh viện hiện đã thi công được nhiều hạng mục nhưng cũng đang tạm dừng thi công chờ các hạng mục khác để thực hiện cụm dự án bệnh viện đồng bộ.
Ông Võ Văn Minh – chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – cho biết dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh 1.500 giường không chỉ người dân mong mỏi, các đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo tỉnh cũng rất quan tâm, mong muốn hoàn thành sớm.
Đối với dự án khối kỹ thuật trung tâm và nhà quàn vừa bị chấm dứt nhà thầu, sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công mới đủ năng lực và kinh nghiệm tiếp tục thực hiện. Các dự án còn lại đang chỉ đạo cơ quan chức năng, chủ đầu tư phối hợp đồng bộ để phấn đấu hoàn thành dự án trong quý 3-2025.
Cần thêm hơn 1.000 tỉ đồng cho dự án thiết bị
Bệnh viện Đa khoa tỉnh 1.500 giường được Bình Dương công bố tổng mức đầu tư xây dựng khi khởi công vào năm 2014 là hơn 2.000 tỉ đồng. Nguồn vốn từ ngân sách và xổ số kiến thiết. Tuy nhiên sau nhiều năm thì nhiều hạng mục phải điều chỉnh, tăng vốn.
Trong đó, riêng dự án thiết bị cho bệnh viện 1.500 giường, tại kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh Bình Dương tháng 8-2024 đã thông qua nghị quyết điều chỉnh.
Tổng mức đầu tư cho thiết bị bệnh viện từ hơn 779 tỉ đồng thực hiện từ năm 2020-2024 nay được điều chỉnh tăng lên hơn 1.057 tỉ đồng thực hiện từ năm 2020-2026.