Tính từ đầu tháng 10 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ ghi nhận 248 ca sốt phát ban, 37 ca sởi điều trị tại khoa Nhiễm; khám ngoại trú trên 80 trường hợp sốt phát ban, sởi.
Trước tình hình này, ngành Y tế TP Cần Thơ đang tiếp tục phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức tiêm chủng phòng, chống dịch sởi đợt 2 tại các trường tiểu học trên toàn thành phố.
Chiến dịch đợt 2 diễn ra trong hai ngày 16, 17-10, tiêm tại các trường tiểu học. Riêng ngày 18-10 sẽ tổ chức tiêm vét cho trẻ chưa tiêm ở cộng đồng.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, trong chiến dịch tiêm phòng bổ sung vaccine sở cả hai đợt, đã tổ chức 481 điểm tiêm tại trường học, cơ sở nuôi dưỡng, bảo trợ xã hội, mái ấm, các cơ sở y tế và trạm y tế.
Trước đó đợt I của chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi (chưa tiêm đủ mũi) diễn ra trong ba ngày 9,10 và 11-10, đã tiêm gần 8.000 liều vaccine sởi cho trẻ trong độ tuổi, trẻ tại cơ sở bảo trợ xã hội và nhân viên y tế có nguy cơ cao.
Để thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng chống bệnh sởi, CDC Cần Thơ đã nhận 20.000 liều vaccine từ Trung ương cung cấp.
Tuy nhiên qua rà soát, Cần Thơ có khoảng 40.000 trẻ từ 1 – 10 tuổi chưa tiêm đủ vaccine phòng bệnh sởi, hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng.
Hiện nay thành phố đang xin cấp thêm vaccine và tiếp tục rà soát trẻ chưa tiêm sởi để tiếp tục tiêm.
Ðối tượng tiêm đợt 2 sẽ thực hiện theo thứ tự ưu tiên trẻ em từ nhỏ đến lớn trong độ tuổi từ 6-10 tuổi, ưu tiên trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều; trẻ chưa rõ thông tin tiêm chủng; đối tượng tiêm vét của đợt 1 nhân viên y tế nguy cơ cao.
Theo thông tin từ CDC Cần Thơ, trong các ca dương tính sởi ghi nhận được, có 92% ca bệnh chưa tiêm phòng sởi, 7% đã tiêm 1 mũi và chỉ 1% tiêm 2 mũi. Về độ tuổi mắc bệnh chủ yếu trong nhóm từ 1 đến 5 tuổi, tuy nhiên cũng có trường hợp trẻ lớn mắc bệnh.
Với hai chiến dịch tiêm vaccine sởi lần này, mục tiêu là gia tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, chủ động phòng bệnh, giảm tỷ lệ mắc và hạn chế tối đa trường hợp tử vong do bệnh sởi.