Một phụ huynh từng bức xúc về việc học sinh thuộc nhóm bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) thế nhưng khi điều trị bệnh thì “đụng đâu thiếu đó”.
Hay người bệnh ung thư phải tự đi mua dây truyền dù BHYT vẫn đóng đủ. Những chi phí thuốc, vật tư lẽ ra được BHYT chi trả thì người dân phải tự bỏ tiền túi. Vậy tham gia
BHYT có thực sự còn ý nghĩa?
Lãnh đạo Bộ Y tế nói đã có đủ căn cứ pháp lý để đấu thầu, mua sắm. Thế nhưng tình trạng thiếu “cục bộ” vẫn diễn ra, bệnh viện chưa mua sắm được hoặc đang tổ chức đấu thầu.
Thậm chí có lãnh đạo bệnh viện nói “có loại thuốc thay thế nhưng bệnh nhân muốn dùng thuốc tốt hơn nên phải tự ra ngoài mua” và trách nhiệm lại đẩy về cho người bệnh.
Trước thực tế thiếu thuốc và vật tư y tế kéo dài, thời gian qua Bộ Y tế cũng đã có nhiều đề xuất, xây dựng chính sách để đảm bảo quyền lợi của người bệnh.
Trong đó, thông tư hướng dẫn về quy định thanh toán trực tiếp cho người có thẻ BHYT là một trong những giải pháp được đưa ra.
Thông tư này phải mất thời gian dài để xây dựng và sẽ có hiệu lực từ 1-1-2025. Trong đó, để được thanh toán chi phí tự mua thuốc, vật tư y tế trực tiếp phải có đủ 5 điều kiện.
Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Trần Thị Trang nói đây chỉ là giải pháp tình thế khi bệnh viện không có thuốc, vật tư y tế vì lý do khách quan chứ không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư.
Trong thông tư cũng đã nêu rõ những điều kiện chi trả trực tiếp cho người bệnh, tránh việc lạm dụng chỉ định người bệnh phải ra ngoài mua thuốc. Và cơ sở khám chữa bệnh phải có trách nhiệm đảm bảo thuốc điều trị, nếu thật sự thiếu do khách quan cũng phải đảm bảo quyền lợi chi trả cho người bệnh.
Theo đó, để được chi trả trực tiếp khi phải mua thuốc bên ngoài, người bệnh phải được bệnh viện đề nghị thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội, chứng minh việc thiếu thuốc, vật tư phải đúng do “khách quan” theo quy định.
Thế nhưng thực tế hiếm có bệnh viện nào dám công khai “chúng tôi đang thiếu thuốc, vật tư y tế”, bởi lẽ Bộ Y tế và Chính phủ đã chỉ đạo “cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư”.
Và nếu bệnh viện không giải trình được “thiếu thuốc vì lý do khách quan, đã làm đủ mọi cách để mua sắm nhưng không được” thì người bệnh cũng không có đủ điều kiện được chi trả.
Chưa kể đến việc người bệnh phải tự nộp hồ sơ đến cơ quan bảo hiểm xã hội và chờ đợi giải quyết trong 40 ngày. Và cũng chưa chắc hồ sơ đề nghị thanh toán đã đầy đủ ngay từ lần đầu, người bệnh có thể phải chạy đi chạy lại nhiều lần.
Mới đây, nhiều cử tri cũng gửi câu hỏi đến Bộ Y tế khi mức đóng BHYT vừa tăng theo lương cơ sở nhưng người bệnh chưa thấy được sự thay đổi nào về chất lượng khám chữa bệnh.
Họ vẫn phải bỏ tiền túi mua thuốc, vật tư y tế mà thậm chí không biết thuốc, vật tư đó có thực sự đảm bảo chất lượng, có hóa đơn chứng từ để được thanh toán hay không?
Trách nhiệm cung cấp đủ thuốc, vật tư khám chữa bệnh là của các bệnh viện, xin đừng đổ trách nhiệm lên người bệnh.