Bệnh gai đen: cảnh báo bệnh nguy hiểm

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn thăm khám cho bệnh nhân béo phì bị bệnh gai đen – Ảnh: HÀ TƯỜNG

Tưởng chỉ bị đen da nhưng người béo phì lại không ngờ mình bị bệnh gai đen nguy hiểm. Gai đen không phải là một bệnh lý da liễu thông thường mà là dấu hiệu của các rối loạn bên trong cơ thể của rất nhiều loại bệnh như ung thư, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa.

Tín hiệu đỏ cảnh báo bệnh nguy hiểm này chữa ra sao?

Mẹ nghi da con dơ, cho đi tẩy trắng da, ai ngờ mắc bệnh nặng

Bé Nguyễn Thị T. (13 tuổi, Hà Nội) cao 1m50, nặng 66kg, mặt đầy mụn trứng cá và đặc biệt da cổ có màu đen. Mẹ bé vẫn nghĩ là do da bẩn, nhưng dù kỳ cọ kỹ, thậm chí đã đi spa để tẩy trắng da, vết đen có mờ đi nhưng sau đó lại đen trở lại.

Mới đây, mẹ bé đi khám u thượng thận và u tuyến giáp đã cho bé đi cùng. Bác sĩ khám kỹ thì không chỉ cổ đen mà cả hai nách cũng có dấu hiệu tương tự. Bác sĩ cho biết bé T. bị bệnh gai đen, có nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2.

TS Nguyễn Quang Bảy, trưởng khoa nội tiết – đái tháo đường Bệnh viện Bạch Mai, cho biết biểu hiện cổ và hai nách đen là dấu hiệu của bệnh gai đen (Acanthosis Nigrican) trong hội chứng kháng insulin nặng.

Gai đen thường xuất hiện ở cổ và nách, hay gặp ở trẻ em béo phì có hội chứng chuyển hóa hoặc hội chứng buồng trứng đa nang. Những trẻ có dấu hiệu này có nguy cơ rất cao bị mắc đái tháo đường tuýp 2.

Nếu trẻ có dấu hiệu này thì bố mẹ phải cho đi khám ngay chuyên khoa nội tiết, tránh để trễ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – phó viện trưởng Viện phẫu thuật tiêu hóa, chủ nhiệm khoa phẫu thuật ống tiêu hóa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 – cho biết bệnh gai đen (Acanthosis Nigricans) được biểu hiện qua các vùng da sẫm màu, dày và nhung, thường xuất hiện ở cổ, nách, háng và đôi khi ở các vùng nếp gấp khác như khuỷu tay hoặc đầu gối.

Tình trạng này không phải là bệnh lý độc lập, mà thường liên quan chặt chẽ đến các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, đặc biệt là ở người béo phì.

Nguyên nhân cơ bản là do người béo phì thường gặp phải tình trạng kháng insulin – một hiện tượng khi cơ thể không sử dụng insulin hiệu quả để chuyển hóa đường trong máu. Insulin dư thừa kích thích sự phát triển quá mức của tế bào da và melanin, gây ra hội chứng gai đen.

Theo nghiên cứu đăng trên Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism, khoảng 74% người béo phì mắc hội chứng gai đen kèm theo kháng insulin. Đây là nguyên nhân chính khiến tình trạng này phổ biến hơn ở người thừa cân so với người có cân nặng bình thường.

Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (Bệnh viện Da liễu trung ương), bệnh gai đen là tình trạng da sẫm màu thường xảy ra ở các vùng nếp gấp ở người dưới 40 tuổi.

Tình trạng tăng sắc tố này có ranh giới không rõ ràng và thường liên quan nhất đến bệnh đái tháo đường và hội chứng kháng insulin, nhưng nó có thể là dấu hiệu của bệnh ác tính.

Có nhiều yếu tố liên quan đến sự phát triển của bệnh gai đen.

“Tín hiệu đỏ” của nhiều loại bệnh lý nguy hiểm

PGS Nguyễn Anh Tuấn cảnh báo nhiều người chỉ nghĩ bệnh gai đen chỉ ảnh hưởng ngoài da mà không biết hội chứng gai đen là một “tín hiệu đỏ” của cơ thể cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn của các rối loạn chuyển hóa và nội tiết.

Hội chứng gai đen thường xuất hiện trước khi đường huyết tăng lên mức nguy hiểm của bệnh đái tháo đường tuýp 2. Hội chứng gai đen cũng là một phần của hội chứng chuyển hóa, bao gồm béo bụng, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và tăng đường huyết.

Rối loạn nội tiết: Ở phụ nữ, hội chứng gai đen thường đi kèm với hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) – một rối loạn nội tiết phổ biến ở người béo phì.

Đặc biệt nguy cơ ung thư, số ít trường hợp gai đen liên quan đến ung thư nội tạng, nhưng nguy cơ này cao hơn ở người trưởng thành bị béo phì.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cảnh báo gần 1/3 bệnh nhân mắc bệnh gai đen liên quan đến bệnh lý ác tính, những thay đổi về da thường xảy ra trước khi có dấu hiệu lâm sàng của bệnh ác tính. Bệnh gai đen liên quan đến ác tính có thể xuất hiện đột ngột, thường đi kèm với ngứa dữ dội.

Ngoài các tổn thương thường xảy ra ở các vùng nếp gấp da như bẹn, nách hoặc gáy, hiếm gặp vẫn xảy ra ở niêm mạc mũi, khoang miệng, thực quản hoặc thanh quản, kết mạc mắt. Phụ nữ cũng có thể phát triển các tổn thương ở núm vú.

Ở một số bệnh nhân cũng có thể xuất hiện u mềm treo ở vị trí bị bệnh. Có thể có những thay đổi ở móng như dày sừng và trắng móng. Về mặt lâm sàng, không thể phân biệt được các tổn thương của bệnh gai đen lành tính với ác tính nên có thể xác định bằng sinh thiết da.

Cách trị hội chứng gai đen ở người béo phì

Giảm cân: Giảm 5 – 10% trọng lượng cơ thể có thể cải thiện rõ rệt các triệu chứng gai đen. Theo nghiên cứu của Obesity Research, giảm cân không chỉ giúp giảm kháng insulin mà còn làm sáng và mềm mại lại vùng da bị ảnh hưởng trong vòng 6 tháng.

Thay đổi lối sống: Ăn uống cân đối và tăng cường vận động (ví dụ đi bộ nhanh 30 phút/ngày) giúp giảm mức insulin trong máu.

Thuốc bôi tại chỗ: Retinoid và axit glycolic giúp làm sáng da và giảm độ dày; các loại kem chứa urea hoặc axit lactic có thể được bác sĩ kê đơn để giảm sự thô ráp.

Điều trị thẩm mỹ: Laser làm sáng vùng da sẫm màu và loại bỏ lớp da dày; peel hóa học: sử dụng axit nhẹ để làm mới bề mặt da.

Chế độ ăn uống: Hạn chế thực phẩm chứa carbohydrate tinh chế và thực phẩm có chỉ số đường huyết cao; tăng cường rau xanh, chất xơ và protein nạc để cải thiện chuyển hóa.

Khám bác sĩ để giảm béo, kiểm soát đái tháo đường.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *