Liên tiếp thời gian gần đây, có nhiều ổ bệnh dại được phát hiện tại một số địa phương nhưng đáng chú ý là địa bàn Quảng Nam, tâm điểm là thị xã Điện Bàn. Bệnh dại gia tăng khiến chủ tịch tỉnh yêu cầu người đứng đầu các địa phương phải chịu trách nhiệm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam, từ đầu năm tới nay Quảng Nam có gần 6.000 người bị chó, mèo cắn, tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2023. 667 vụ chó, mèo phát dại rồi chạy cắn người. Toàn tỉnh có 10 ổ dịch bệnh dại.
Chết oan uổng vì chó lạ cắn
Ngày 31-10, căn nhà cấp 4 của vợ chồng chị Hứa Thị Ngọc Ấn (31 tuổi) ở phường Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn ngập chìm trong buồn đau. Mất đứa con trai 9 tuổi trong cảnh đầy bất ngờ, chị Ấn cùng người thân như vẫn chưa hiểu chuyện gì đã ập đến.
Nói với phóng viên, chị Ấn cho biết chiều 13-9 con trai chị (nay đã mất vì bệnh dại) đang ở trường học thì bị một con chó lạ từ đâu tới bất ngờ cắn vào tay. Hai mẹ con đưa nhau tìm thầy lang như cách mà dân làng lâu nay vẫn làm mỗi khi bị chó cắn.
Người tự nhận là thầy lang (chợ Lệ Trạch, TP Đà Nẵng) đã dùng thủ thuật “cào dại”, lấy vật cứng cào lên vết chó cắn trên ngón tay của con chị Ấn rồi ép hạt nhỏ lên để “bắt bệnh”. Khi thấy hạt không dính vào tay, người này quả quyết với hai mẹ con rằng không có mầm bệnh dại.
“Tôi đưa cháu về nhà, cho ăn uống, chăm sóc thì cháu vẫn rất bình thường. Vẫn đi học, khỏe mạnh, vui chơi. Nhưng tới cuối tháng 10 thì cháu nôn ói, sốt cao… Khi đưa đi viện thì mới biết cháu nhiễm bệnh dại do chó cắn trước đó” – chị Ấn nói.
Không chỉ chị Ấn, nhiều người dân vùng nông thôn Quảng Nam vẫn còn quan niệm lạc hậu về chuyện “cào dại”, bắt bệnh từ thầy lang thay vì đến cơ sở y tế.
Một trường hợp khác, cháu nhỏ ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cũng bị chó dại cắn nhưng người nhà nghĩ rằng chó không bị dại nên không đưa tới cơ sở y tế. Một tháng sau vi rút dại khởi phát, nạn nhân chết oan uổng.
Chó dại âm thầm xâm nhập vào cộng đồng, truyền bệnh
Lý giải về nguyên nhân bệnh dại gia tăng, xuất hiện nhiều ổ dịch trong cộng đồng, bà Hoàng Thị Kim Yến – chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Nam – cho rằng tỉ lệ tiêm phòng chó, mèo thấp là nguyên nhân chính. Tính tới cuối tháng 9-2024, tỉ lệ tiêm phòng nhiều nơi chỉ đạt quanh mốc dưới 20%, có huyện như Phước Sơn tỉ lệ tiêm phòng là… 0%.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Nam phàn nàn dù dịch đang diễn biến phức tạp, chó nhiễm vi rút dại âm thầm tấn công cộng đồng nhưng việc phối hợp dập dịch khá khó khăn. Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức, chưa nhận thấy rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh dại. Đặc biệt ý thức người dân về nuôi nhốt, quản lý chó, tuân thủ các quy định như rọ mõm, không thả rông ra dân cư… hiện rất thấp.
Ở thị xã Điện Bàn liên tiếp xuất hiện các ổ dịch dại mà nguyên do từ việc chó nhiễm bệnh chạy rông, người dân thấy chó vào nhà thì ôm ấp, chăm sóc và bị chó cắn. “Sau khi chúng tôi tham mưu lên sở để sở tham mưu cho chủ tịch UBND tỉnh thì tình hình đã được cải thiện hẳn. Cơ bản hiện nay dịch đang được dần khống chế” – bà Kim Yến nói.
Để khống chế dịch bệnh dại, vừa qua UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu phối hợp tập trung khống chế dập dịch, nâng cao tỉ lệ tiêm phòng dại để hạn chế các hậu quả đáng tiếc. Chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu người đứng đầu mỗi đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu để bùng phát các ổ dịch, tỉ lệ tiêm phòng không đạt.
Loại bỏ quan niệm sai lệch về bệnh dại
Theo bác sĩ Lê Đỗ Mười Thương, Trường cao đẳng Y tế Quảng Nam (hiện là nghiên cứu sinh về giám sát bệnh dại tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương), từ đầu năm đến nay cả nước có 74 ca tử vong vì bệnh dại ở người.
Có một thực tế ảnh hưởng lớn đến nỗ lực khống chế dịch là sự chủ quan và nhận thức chưa đúng về tiêm phòng. Thậm chí người dân khi bị chó dại cắn vẫn còn tin vào khả năng các thầy lang mà không đưa đến cơ sở y tế. Và còn hiểu sai về tiêm vắc xin, nghĩ rằng ảnh hưởng trí não.
Để tránh tử vong, cần tiêm vắc xin phòng dại. Thực tế là vắc xin dại hiện mức độ an toàn rất cao, an toàn với mọi đối tượng kể cả trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và cho con bú. Vắc xin cũng hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến trí tuệ con người.
Mặt khác, vắc xin thế hệ mới cũng có miễn dịch lâu bền hơn giúp người bệnh khi tiêm đủ liều có miễn dịch trong nhiều năm – bác sĩ Thương khẳng định.