Ngày 16-8, Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội) thông tin vừa tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho bệnh nhi trên.
Bé T. (6 tuổi, Hà Nội) vào viện vì đau tức ngực và nhiễm khuẩn hô hấp tái diễn nhiều lần. Trẻ được các bác sĩ thăm khám lâm sàng, chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính lồng ngực. Hình ảnh quan sát thấy là thoát vị cơ hoành bên trái với tạng thoát vị là lách, đại tràng, ruột non, kèm theo thận trái lạc chỗ trên lồng ngực.
Theo các bác sĩ, thoát vị hoành với thận lạc chỗ trên lồng ngực là thương tổn hiếm gặp (chiếm 0,25% trên tổng số các trường hợp thoát vị hoành).
Trên y văn thế giới, tổn thương này chỉ được báo cáo với các ca bệnh lâm sàng riêng lẻ. Tổn thương trong ca bệnh của bé T. kèm theo dị tật bẩm sinh của đường hô hấp dưới (là khối phổi biệt lập) có liên quan về mạch máu với thận lạc chỗ, không quan sát thấy trên thăm dò hình ảnh trước phẫu thuật.
Sau khi đánh giá tình trạng bệnh nhi, ông Phạm Duy Hiền – phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương và BS Tô Mạnh Tuân, trưởng khoa ngoại lồng ngực, thống nhất chẩn đoán và chỉ định phẫu thuật.
Mục tiêu phẫu thuật đưa các tạng thoát vị trở lại ổ bụng và tạo hình cơ hoành trái. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để hồi sức tích cực trước, trong và sau mổ cho bệnh nhi.
Sau 3 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công tốt đẹp. Khối phổi biệt lập bất thường của trẻ được loại bỏ mà không tổn thương vào tĩnh mạch thận trái. Các tạng thoát vị (bao gồm cả thận trái lạc chỗ) được đưa trở lại ổ bụng, cơ hoành trái được tạo hình và trở lại với vị trí giải phẫu bình thường.
Bé được điều trị hậu phẫu ổn định và xuất viện 7 ngày sau phẫu thuật trong niềm vui, hạnh phúc của gia đình và đội ngũ y bác sĩ.
Các bác sĩ cũng cho biết việc làm chủ quy trình hồi sức và phẫu thuật dị tật thoát vị hoành bẩm sinh, đã mở ra nhiều hy vọng cho các em bé không may mắc dị tật bẩm sinh này.
Bên cạnh đó, hiện nay với sự phát triển của các phương pháp chẩn đoán trước sinh, bệnh lý thoát vị hoành có thể chẩn đoán sớm từ trong thai kỳ, giúp tiên lượng sự phát triển thai nhi và giúp chuẩn bị tốt nhất trong công tác hồi sức, tăng đáng kể khả năng cứu sống người bệnh.