Ngày 10-9, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay em T.T.D.M. (14 tuổi, ngụ huyện Xuân Lộc) – bệnh nhi mắc bệnh Whitmore (còn gọi là “vi khuẩn ăn thịt người”) đã xuất viện.
“Bé được điều trị theo phác đồ và đáp ứng thuốc tốt. Sau 3 tuần điều trị tại bệnh viện, sức khỏe của bé đã ổn định và được cho xuất viện”, đại diện Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai nói.
Trước đó đầu tháng 8, bệnh nhi nổi hạch ở vùng cổ và được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám.
Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán viêm hạch, gia đình lấy thuốc về nhà cho bệnh nhi uống.
Tuy nhiên sau đó tình trạng bệnh nhi vẫn không đỡ, vùng cổ phải xuất hiện áp xe phần mềm.
Ngày 22-8, gia đình đưa bệnh nhi vào bệnh viện mổ lấy hạch, lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm.
Một tuần sau, kết quả xét nghiệm của cả 3 bệnh viện (Nhi đồng Đồng Nai, Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Thống Nhất TP.HCM) đều cho thấy bệnh nhi dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei – là vi khuẩn gây bệnh Whitmore.
Đến nay, đây là ca bệnh nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người” đầu tiên được ghi nhận ở Đồng Nai.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa – phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai – cho biết bệnh viện đã bố trí cho bệnh nhi điều trị tại khu cách ly riêng, hạn chế thăm nuôi để tránh lây nhiễm. Cũng theo bác sĩ Nghĩa, bệnh nhi nhiễm bệnh từ cộng đồng, có thể từ môi trường đất.
Theo người nhà bệnh nhi, trước khi phát hiện bệnh, T.T.D.M. không đi khỏi địa phương. Hằng ngày T.T.D.M. đi học ở gần nhà.
Sau khi ghi nhận ca bệnh, ngành y tế Đồng Nai đã phun khử khuẩn trong nhà, xung quanh nhà bệnh nhi. Đồng thời lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhi để theo dõi sức khỏe.
Tuy nhiên, người thân trong gia đình và bạn học của bệnh nhi chưa phát hiện triệu chứng bất thường.
Cách phòng tránh “vi khuẩn ăn thịt người”
Đến nay bệnh Whitmore vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh. Do đó biện pháp phòng ngừa chính là tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nguồn nước bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là những người có bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh gan mãn… bằng cách sử dụng đồ bảo hộ như mang găng tay cao su, đi ủng.
Khi có vết thương nhiễm bẩn đất hoặc nước môi trường, cần rửa sạch vết thương ngay với xà phòng và nước sạch.
Cần che chắn vết thương hở, tránh tiếp xúc với đất hoặc nước cho đến khi vết thương lành hoàn toàn. Không ăn thức ăn hoặc dùng nước uống chưa qua xử lý có thể nhiễm vi khuẩn.
Khi ra ngoài, tránh mưa lớn và các đám mây bụi. Nếu gặp phải môi trường khói bụi, cần che chắn tốt đường hô hấp.
Khi cơ thể có biểu hiện sốt cao, suy hô hấp, tụt huyết áp hoặc có biểu hiện sốt kéo dài, viêm khớp, loét một hay nhiều vùng da trên người thì không nên tự điều trị, mà cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, tư vấn, chẩn đoán và điều trị sớm.