Ăn trứng sao cho tốt?
ThS Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, nhiều người bị bệnh tăng huyết áp thường không dám ăn trứng nói chung và trứng gà nói riêng, thậm chí còn kiêng kị một cách tuyệt đối. Kỳ thực, quan niệm như vậy là chưa hoàn toàn đúng.
Theo các sách thuốc cổ như Bản thảo cương mục, Thương hàn luận tạp bệnh, Thiên kim phương, Bản thảo tiện độc, Nhật hoa tử bản thảo…, trứng gà tính bình, vị ngọt, có công dụng tư âm dưỡng huyết, nhuận táo trừ phong.
Trong y học cổ truyền, trứng gà vừa là thức ăn vừa là vị thuốc và nó có mặt trong khá nhiều món ăn – bài thuốc được dùng để phòng chống các bệnh lý thuộc hệ tuần hoàn, trong đó có bệnh tăng huyết áp, tim mạch như:
– Trứng gà cháo trai: Trai 50g, trứng gà muối 1quả, gạo tẻ 50g, gia vị vừa đủ. Các vị rửa sạch, ninh nhừ thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn 2 lần trong ngày.
Công dụng: bổ ích can thận, dưỡng tinh huyết, trừ phiền giáng hỏa, dùng cho người bị tăng huyết áp và hội chứng tiền mãn kinh.
– Trứng gà ý dĩ: Trứng gà 2 quả, côn bố 20g, ý dĩ 20g, dầu thực vật và gia vị vừa đủ. Côn bố rửa sạch thái ngắn đem nấu với ý dĩ thành cháo ; trứng tráng chín, thái sợi đổ vào nồi cháo, chế đủ gia vị, chia ăn 2 lần trong ngày.
Công dụng: cường tim lợi niệu, hoạt huyết nhuyễn kiên, dùng cho người bị cao huyết áp, thiểu năng mạch vành, thấp khớp cấp…
– Canh cải cúc trứng gà: Cải cúc 250, lòng trắng 3 quả trứng gà. Cải cúc rửa sạch, thái ngắn nấu thành canh, khi được cho lòng trắng trứng vào quấy đều vài dạo rồi bắc ra, chia ăn vài lần trong ngày.
Công dụng: dưỡng tâm nhuận phế, kiện tỳ tiêu thực, dùng cho người bị cao huyết áp, rối loạn tiền đình, ăn uống chậm tiêu.
– Lá sen trứng: Lá sen 1 cái, trứng gà 1 quả, đường đỏ 20g. Các vị đem nấu chín, bỏ bã lấy nước uống trong ngày, 7 ngày là 1 liệu trình. Công dụng: thăng thanh giáng trọc, thanh thử giải nhiệt, bổ ích khí huyết, dùng rất tốt cho người bị cao huyết áp.
– Trứng giấm: Giấm chua 60g, trứng gà 1 quả. Trứng đập ra bát, đổ giấm vào quấy đều, nấu chín rồi ăn vào sáng sớm khi chưa ăn sáng, 7 ngày là 1 liệu trình. Công dụng: hoạt huyết giáng áp, rất thích hợp cho người bị cao huyết áp.
– Thuốc thiên ma + trứng gà: Thiên ma 10g, trứng gà 1 quả. Đem thiên ma sắc kỹ lấy nước bỏ bã rồi đập trứng gà vào khi nước thuốc đang sôi, quấy đều, ăn liên tục trong 1 tuần.
Công dụng: bình can tức phong, dưỡng tâm an thần, dùng cho người bị tăng huyết áp, suy nhược thần kinh, thiểu năng tuần hoàn não, trẻ em hay bị co giật do sốt cao…
– Trứng vừng mật ong: Vừng 30g, mật ong 30g, giấm ăn 30g, trứng gà 1 quả. Vừng tán mịn trộn đều với giấm, mật ong và lòng trắng trứng, nấu chín chia làm 6 phần, mỗi ngày ăn 3 phần chia 3 lần.
Công dụng: bổ can thận, nhuận ngũ tạng, tán ứ chỉ thống, chuyên dùng cho người bị tăng huyết áp.
– Tang ký sinh trứng gà: Tang kí sinh 15 – 30g, trứng gà 1 quả. Hai vị rửa sạch nấu kỹ, bỏ bã, ăn trứng uống nước. Công dụng: bổ ích can thận, dưỡng huyết trừ phong, an thai, dùng cho người bị tăng huyết áp, tê liệt tứ chi do di chứng trúng phong, thấp khớp thể huyết hư.
Quan trọng là loại bỏ thói quen xấu
Các chuyên gia của Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức cho biết, người bệnh mỡ máu cao, huyết áp và tim mạch chớ nên quá chú trọng cân đong đo đếm vào loại thực phẩm được ăn mà nên loại bỏ thói quen xấu trong ăn uống gây hại cho sức khoẻ nói chung và tim mạch nói riêng như ăn mặn, ăn nhiều chất béo đặc biệt là mỡ động vật…
Thực tế có nhiều bệnh nhân tim mạch, mỡ máu cao kiêng hẳn ăn trứng vì họ sợ trứng có nhiều cholesterol khiến bệnh nặng thêm, nhưng thực tế trứng có đủ các thành phần dinh dưỡng, có nguồn protein cân bằng thích hợp cho nhu cầu cơ thể.
Trong trứng có chất đạm, chất béo, canxi, sắt, kẽm, selen, vitamin B12, vitamin D, các axit béo no, axit béo không no một nối đôi và nhiều nối đôi, cholesterol…
Hơn nữa, tỷ lệ các chất dinh dưỡng trong trứng rất phù hợp và cân đối. Ngoài ra, trứng còn giàu phốt pho. Lòng trắng trứng giàu chất sắt nên khuyên dùng cho người thiếu máu. Trứng giàu vitamin nhóm B (B1, B2, B12) và có tỷ lệ vitamin tan trong chất béo (A, D và E) đáng kể.
Chất đạm của trứng là nguồn cung cấp rất tốt các axit amin cần thiết có vai trò quan trọng cho cơ thể. Lòng trắng trứng chứa albumin, không có cholesterol cũng như chất béo.
Lòng trắng nếu được nấu chín, được hấp thu đến 90% và tồn tại trong dạ dày từ 2h30 – 3 giờ. Cũng vì vậy, người ta khuyên người thừa cân, béo phì nên dùng 1 hay 2 trái trứng luộc vào bữa ăn sáng, như vậy sẽ “no bụng” suốt buổi sáng không có nhu cầu ăn vặt.
Bởi vậy mặc dù trứng có chứa lượng cholesterol đáng kể (600mg cholesterol/100g trứng gà) nhưng trong trứng có nguồn chất béo rất qúy đó là lecithin. Lecithin thường có ít ở các thực phẩm khác (trừ đậu nành).
Đặc biệt, trong trứng có tương quan thuận lợi giữa lecithin và cholesterol do vậy lecithin sẽ có vai trò điều hòa cholesterol, ngăn ngừa quá trình xơ vữa động mạch và đào thải cholesterol ra khỏi cơ thể. Lecithin giúp giảm cholesterol, tăng HDL cholesterol (cholesterol tốt) và làm giảm LDL cholesterol (cholesterol xấu) hiện hữu trong cơ thể con người.
Ngoài ra, lecithin giúp giảm cân, giúp phá vỡ và phân tán mỡ trong thức ăn và trong máu thành những phân tử nhỏ hơn. Khi đó, cơ thể sẽ sử dụng lượng mỡ đã được phân chia nhỏ này để làm nguồn nhiên liệu cung cấp năng lượng cho cơ thể hơn là dự trữ trong các mô tế bào.
Vì vậy, không có lý do gì để người bị mỡ máu, tim mạch, huyết áp loại bỏ trứng vì nó không làm tăng huyết áp và cholesterol máu, nhưng không ăn thường xuyên hằng ngày.
Dựa theo những kết quả nghiên cứu mới nhất, người bị mỡ máu cao có thể ăn trứng với liều lượng thích hợp, không quá 6 quả/tuần. Nếu mỡ máu tăng ở mức rất cao chỉ nên ăn lòng trắng trứng. Ngoài ra, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, sở thích để chế biến món ăn từ trứng cho phù hợp.
Tuy là vị thuốc bổ nhưng cổ nhân cũng khuyên nên dùng trứng ở mức độ vừa phải tùy theo thể tạng và tính chất bệnh lý, vì nếu dùng quá nhiều có thể gây nên tình trạng tích trệ, chướng mãn, đặc biệt với những người tỳ vị vốn hư yếu.
Đối với những người bị tăng huyết áp có kèm theo rối loạn lipid máu khi dùng các món ăn – bài thuốc nêu trên rất cần có sự theo dõi, hướng dẫn tỉ mỉ của thầy thuốc có chuyên khoa.