Bác sĩ Nguyễn Thị Bay, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM – cơ sở 3, nếu thiếu hoặc thừa các hormone của tuyến giáp sẽ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Cụ thể:
– Phình giáp: Phình giáp là hiện tượng các mô tuyến giáp phát triển vượt quá mức cho phép khiến vùng cổ của người bệnh bị phình to bất thường.
– Bướu giáp nhân: Bướu giáp nhân là dạng tổn thương nằm khu trú trong tuyến giáp, có thể là khối dịch lỏng hoặc đặc quánh. Biểu hiện của bệnh là vùng cổ thường nhìn mất cân đối.
– Suy giáp: Suy giáp xảy ra khi cơ thể thiếu hormone T3 và T4, khi đó các chuyển hóa bên trong cơ thể sẽ chậm lại. Biểu hiện của bệnh là suy nghĩ chậm chạp, nói chậm, tim đập chậm, mạch yếu, tiêu hóa chậm, táo bón, ít đổ mồ hôi, bị lạnh bất thường,…
– Cường giáp: Nếu cơ thể dư hormone T3 và T4 sẽ xảy ra hiện tượng cường giáp. Người bị cường giáp thường có biểu hiện dễ cáu gắt, sụt cân, ít ngồi yên, uống nhiều nước, tiểu nhiều, các ngón tay run, tim đập nhanh, rối loạn nhịp tim,…
– Bướu giáp ác tính (hay còn gọi là bệnh Basedow): Bệnh thường gây triệu chứng lồi mắt.
– Ung thư tuyến giáp: Ung thư tuyến giáp xảy ra khi có sự phát triển bất thường của tế bào tuyến giáp. Các tế bào bất thường sẽ nhân lên trong tuyến giáp, đến một lúc nào đó, chúng sẽ tạo thành một khối u.
Theo bác sĩ Bay, có nhiều bệnh lý xảy ra ở tuyến giáp và có bệnh thường lành tính, người bệnh có thể sống “hòa bình” với bệnh suốt đời, nhưng có một số bệnh có nguy cơ ác tính cần phải theo dõi và điều trị.
Đối với bệnh phình giáp, đây là bướu giáp đơn thuần, lành tính, chỉ làm to mặt trước của cổ gây mất thẩm mỹ, người bệnh hoàn toàn có thể sống chung với bệnh suốt đời. Nếu người bệnh sợ mất thẩm mỹ thì có thể yêu cầu mổ.
Đối với bướu giáp nhân, bướu này cũng thường lành tính, chỉ có khoảng 5 – 7% nhân bướu giáp có thể chuyển thành ác tính. Do đó, khi được chẩn đoán bướu giáp nhân thì người bệnh cần được theo dõi để xem bướu nhân có chuyển ác tính hay không và kịp thời điều trị.
Đối với suy giáp và cường giáp, bệnh sẽ gây ra những triệu chứng làm rối loạn các chức năng, chuyển hóa trong cơ thể, vì vậy, người bệnh cần tiến hành điều trị bằng hormone hoặc thuốc cho phù hợp.
Đối với bướu giáp ác tính và ung thư tuyến giáp, đây là 2 bệnh nguy hiểm cần được thăm khám, theo dõi và điều trị kịp thời.
“Như vậy, tùy vào từng loại bệnh mà mức độ nguy hiểm sẽ khác nhau và phương pháp điều trị cũng khác nhau. Do đó, khi có những biểu hiện của các bệnh lý tuyến giáp thì bạn nên đi khám để được chẩn đoán bệnh lành tính hay ác tính để có phương pháp theo dõi hoặc điều trị phù hợp”, bác sĩ Bay nhấn mạnh.
Thực phẩm tốt cho người bệnh tuyến giáp
Bác sĩ Trần Thùy Ngân, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM gợi ý một số loại thực phẩm tốt cho người bệnh tuyến giáp.
– Thực phẩm giàu i-ốt: I-ốt giúp cân bằng nội tiết tố tuyến giáp, kích thích sản sinh các nội tiết tố cần thiết, giảm sự hình thành các khối u tuyến giáp. Thực phẩm giàu i-ốt như rong biển, hải sản sẽ tốt cho người bị bướu giáp nhưng không dùng cho bệnh nhân cường giáp. I-ốt rất cần thiết cho tuyến giáp nhưng cần bổ sung ở mức hợp lý.
Với người bệnh đang điều trị bằng i-ốt phóng xạ và các phương pháp khác, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để bổ sung lượng i-ốt phù hợp.
– Rau lá xanh: đây là những thực phẩm chứa nhiều magie, khoáng chất, cung cấp dưỡng chất tuyệt vời, thúc đẩy quá trình trao đổi chất của tuyến giáp và cơ thể diễn ra hiệu quả hơn.
Người bệnh có thể bổ sung các loại rau có màu xanh đậm như: rau mồng tơi, rau diếp cá… để cơ thể nhận đủ magie giúp các triệu chứng đau cơ, mệt mỏi, nhịp tim không đều được cải thiện.
– Các loại hạt: Các loại hạt phổ biến như hạnh nhân, hạt điều, hạt bí… là nguồn cung cấp magie rất tốt cho cơ thể, giàu protein thực vật, vitamin B, vitamin E, các khoáng chất khác giúp hỗ trợ hoạt động hiệu quả của tuyến giáp.
– Sữa chua ít béo: Sữa chua ít béo chứa nhiều i-ốt, vitamin D nên rất tốt cho tuyến giáp.
– Rong biển: Rong biển giàu i-ốt nên là lựa chọn phù hợp cho người bệnh tuyến giáp. Giá trị dinh dưỡng của rong biển cao nên người bệnh cần tiêu thụ ở mức độ vừa phải (1 lần/tuần). Tuy nhiên, rong biển chứa hàm lượng i-ốt cao có thể gây hại khi bổ sung quá mức nên người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để điều chỉnh hàm lượng phù hợp.
– Trứng: chứa nhiều i-ốt, selen, axit béo omega-3, nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho một tuyến giáp khỏe mạnh, hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Dù trứng cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể nhưng không được lạm dụng quá mức. Người bệnh cần có chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng giúp cải thiện sức khỏe.
– Táo: chứa nhiều chất dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể. Táo cũng chứa nhiều i-ốt nên cũng là thực phẩm người bệnh cần lựa chọn để bảo vệ tuyến giáp khỏe mạnh.
– Thịt gà: là một loại thịt nạc cung cấp protein, kẽm tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, kẽm cần thiết để điều chỉnh hormone tuyến giáp trong cơ thể nên người bệnh tuyến giáp có thể lựa chọn thịt gà bổ sung vào khẩu phần ăn.