Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) vừa cho hay bé N.Q.H., (3 tuổi, trú tại huyện Cẩm Khê) bất ngờ ngã lọt chân vào khe hở cống thoát nước gần nhà trong khi đang chơi.
Thấy con đau đớn, khóc thét, cẳng chân trái biến dạng, gia đình nhanh chóng sơ cứu và đưa bé đi cấp cứu.
Tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, bé được chẩn đoán gãy kín 1/3 giữa 2 xương cẳng chân trái di lệch, gãy đầu trên xương mác trái. Sau khi hội chẩn bác sĩ quyết định gây mê, kéo nắn bó bột dưới màn hình tăng sáng.
Các bác sĩ đã thành công đưa xương về vị trí giải phẫu, đùi cẳng bàn chân được cố định bằng phương pháp bó bột.
Sơ cứu đúng cách
Theo các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, gãy xương là tai nạn thường gặp trong cuộc sống hằng ngày, nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách có thể để lại di chứng tàn phế suốt đời, thậm chí đe dọa tính mạng của nạn nhân.
Việc sơ cứu ban đầu kịp thời và đúng cách sẽ giảm được 70% biến chứng do gãy xương.
Mục đích của việc sơ cứu gãy xương là cố định vị trí xương gãy, giảm sốc, giảm đau và hạn chế phát sinh thêm những tổn thương cho nạn nhân trong lúc chờ được tiếp cận dịch vụ y tế khẩn cấp.
Sơ cứu gãy xương cẳng chân:
Bước 1: Đặt nạn nhân nằm trên mặt phẳng, chân duỗi thẳng, bàn chân vuông góc với cẳng chân.
Bước 2: Dùng hai nẹp đặt ở mặt trong (từ bẹn đến quá gót chân) và ngoài (từ mào chậu đến quá gót chân) của chân gãy. Độn bông vào hai đầu nẹp; phía trong, ngoài của các đầu xương.
Bước 3: Buộc cố định hai nẹp ở các vị trí trên và dưới vùng gãy (trên khớp gối khoảng 3 – 5cm).
Bước 4: Băng số 8 ở cổ chân để cố định bàn chân vuông góc với cẳng chân.
Theo bác sĩ Lê Đình Khoa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP. HCM, các vị trí dễ bị gãy xương gồm:
– Gãy xương sườn: thường xảy ra do chấn thương ở ngực khi bị ngã, tai nạn xe cộ hoặc lúc chơi thể thao
– Gãy xương đòn: nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này là ngã chống tay. Lúc này, vai va chạm mạnh trực tiếp gây gãy hoặc gián tiếp gãy trong tư thế duỗi khuỷu, dạng vai
– Gãy xương cẳng tay: xuất hiện khi chịu lực trực tiếp như bị đánh, tai nạn giao thông (nguyên nhân trực tiếp), duỗi thẳng tay ra để chống khi (nguyên nhân gián tiếp)…
– Gãy xương cẳng chân: xảy ra do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, chấn thương thể thao, các bệnh lý về xương…
Tình trạng xương bị gãy sẽ có các biểu hiện khác nhau, tùy thuộc vào vị trí gãy, mức độ nghiêm trọng của chấn thương, tuổi tác và sức khỏe chung của người bệnh.
Khu vực gãy xương thường có một số triệu chứng đặc trưng như: Đau, đặc biệt là khi di chuyển hoặc chạm vào vùng bị thương; Sưng tấy, đỏ, bầm tím ở vùng xương bị tổn thương;
Tay chân cong, xoắn, biến dạng bất thường ở vị trí gãy; Cảm giác nóng ran ở xương hoặc khớp bị ảnh hưởng; Chảy máu, xương nhô ra nếu đó là một vết gãy hở; Có thể nghe thấy tiếng răng rắc khi chấn thương xảy ra; Mất chức năng vùng bị chấn thương
Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu…