“Tỉ lệ trữ trứng ở phụ nữ trên thế giới có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Còn tại Việt Nam, xu hướng này bắt đầu phát triển mạnh trong năm nay”, bác sĩ Hồ Mạnh Tường, tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, nhận định.
Thêm giải pháp để bảo tồn sinh sản?
“Trữ trứng là xu hướng của nhiều phụ nữ hiện đại”, PGS Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho hay.
Theo số liệu thống kê của khoa hiếm muộn Bệnh viện Hùng Vương, năm 2020 và 2021 là những năm cả nước phải chịu dịch COVID-19 nên số ca thụ tinh trong ống nghiệm và trữ trứng rất ít.
Tuy nhiên, trong năm 2022, có khoảng 70 – 80 trường hợp đến xin trữ trứng. Đến năm 2023, tăng lên khoảng 150 – 160 ca, chưa kể đến các trung tâm khác. Điều này chứng tỏ nhu cầu trữ trứng ở phụ nữ đang có xu hướng tăng nhanh.
Bác sĩ Diễm Tuyết khuyến khích phụ nữ thực hiện thiên chức làm mẹ trong độ tuổi 25 – 35. Nhưng nếu vì một lý do nào đó bất khả kháng, cần có thêm giải pháp để bảo tồn sinh sản.
Theo bà Tuyết, trong quá trình điều trị hiếm muộn bằng thụ tinh trong ống nghiệm, có những tình huống bắt buộc phải trữ trứng. Ví dụ, trong ngày hút trứng, chồng không lấy được tinh trùng, lúc này bắt buộc người phụ nữ phải trữ trứng. Hoặc khi người phụ nữ mắc bệnh ung thư cần điều trị hóa trị hoặc xạ trị, có thể ảnh hưởng đến việc dự trữ buồng trứng, do vậy cũng cần trữ trứng để bảo tồn khả năng sinh sản.
Trước đây, chỉ những trường hợp trên mới cần trữ trứng nhưng gần đây, những phụ nữ muốn trì hoãn thiên chức làm mẹ cũng có nhu cầu trữ trứng.
Ngoài việc sinh con, nuôi con, nấu ăn, phụ nữ ngày nay còn tham gia nhiều hoạt động xã hội nên có thể phải đầu tư nhiều thời gian, công sức cho việc học hành, kiếm tiền, nghề nghiệp, địa vị… Khi đó, việc thực hiện thiên chức làm mẹ bị trì hoãn, đến lúc cần mang thai, sinh đẻ thì lại hết trứng.
Xu hướng xã hội?
Những năm gần đây, nhiều chị em đến bệnh viện đặt vấn đề muốn trữ trứng. Đây là sự thay đổi trong xu hướng của xã hội. Hầu hết phụ nữ muốn trữ trứng dao động từ 30 – 40 tuổi.
Nhiều trường hợp nói rằng họ chưa đảm bảo về kinh tế nên trì hoãn thiên chức làm mẹ. Cũng có một số chị em từ 30 – 35 tuổi chưa tìm được “ý trung nhân” và lo rằng đến khi tìm được sẽ không còn trứng nên muốn trữ trứng lại.
Bác sĩ Diễm Tuyết cho rằng việc trữ trứng sẽ giúp chị em phụ nữ chủ động hơn khi quyết định thời điểm làm mẹ. Những trường hợp không trữ trứng mà đợi đến khi có thời gian, tiền bạc lại không còn trứng để sinh con.
Xu hướng hiện nay của phụ nữ trên thế giới cũng như tại Việt Nam là trữ trứng lại, thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu trước. Sau đó, đến thời điểm muốn “làm mẹ” sẽ sử dụng trứng đã được trữ đông để sinh con.
Tuổi sinh con ngày càng trễ
Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, phụ nữ tại Việt Nam, đặc biệt phụ nữ tại các thành phố lớn có khuynh hướng dành nhiều thời gian để học tập, làm việc. Tuổi lập gia đình ở phụ nữ ngày càng trễ. Tuổi sinh con đầu, con thứ hai ngày càng trễ.
Qua các nghiên cứu cho thấy phụ nữ mang thai, sinh con tốt nhất trong độ tuổi từ 20 – 30. Lúc này, chất lượng trứng còn tốt và số lượng trứng dồi dào, việc mang thai cũng như sinh con thuận lợi hơn.
Buồng trứng phụ nữ sẽ lão hóa dần theo thời gian, đến sau 40 tuổi, chỉ 10% phụ nữ có khả năng thụ thai tự nhiên và sinh con an toàn. Khi đến giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, phụ nữ gần như không còn khả năng sinh sản.
Đông lạnh trứng chủ động (hay còn gọi là trữ noãn xã hội, trữ trứng “để dành”) là giải pháp để ngăn ngừa tác động từ những yếu tố về tuổi tác, bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới.
Hiện nay, trứng được lưu trữ theo hạn hợp đồng tùy vào từng trung tâm IVF. Sau khi thời hạn hợp đồng kết thúc, những phụ nữ bảo quản trứng vì lý do y tế có cơ hội xem xét, kéo dài thời gian bảo quản trứng tùy theo chỉ định của bác sĩ.
Trữ trứng trước năm 35 tuổi
Khả năng sinh sản không “trường tồn” theo thời gian. Vậy, đâu là thời điểm – độ tuổi lý tưởng nhất để người phụ nữ thực hiện trữ trứng?
Bác sĩ Lý Thái Lộc, trưởng khoa hiếm muộn Bệnh viện Hùng Vương, cho hay theo tiêu chuẩn của Việt Nam, người trên 35 tuổi chức năng buồng trứng sẽ bắt đầu giảm về chất lượng và số lượng. Do vậy, độ tuổi lý tưởng nhất để trữ trứng là trước năm 35 tuổi.
Bác sĩ Diễm Tuyết cho rằng trước khi muốn trữ trứng người phụ nữ phải chuẩn bị về mặt tâm lý và kiến thức, hiểu biết về quy trình trữ trứng. Ngoài ra, cần chuẩn bị chi phí để thực hiện kỹ thuật trữ trứng.
Hiện nay, chi phí trữ trứng ở Việt Nam khá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng so với thu nhập của người phụ nữ trung bình trong xã hội còn tương đối cao. Ví dụ, một chu kỳ kích thích buồng trứng và trữ trứng khoảng 40 – 50 triệu đồng. Sau đó tùy vào số lượng trứng trữ mà chi phí phải đóng để trữ trứng hằng năm khoảng từ 3 – 5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, khi thực hiện kích thích buồng trứng và hút trứng phải thực hiện bằng siêu âm đầu dò âm đạo (đi bằng đường âm đạo). Một số phụ nữ chưa quan hệ tình dục sẽ rất khó để thực hiện kỹ thuật này.
Những phụ nữ muốn trữ trứng có thể đến trữ trứng tại các khoa hiếm muộn của các bệnh viện. Hiện nay theo các nghiên cứu trứng được trữ vô thời hạn. Khi nào người phụ nữ muốn sinh con thì sẽ đề nghị lấy trứng rã ra làm phôi rồi chuyển phôi. Tuy nhiên, lúc đó người phụ nữ cũng cần phải có sức khỏe mới đảm bảo được việc mang thai và sinh con.
Người trẻ cần thận trọng khi trữ trứng
Ông Trần Ngọc Hải, giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, ủng hộ những người có bệnh lý mà khi điều trị sẽ ảnh hưởng đến buồng trứng như những người mắc bệnh ung thư toàn thân, ung thư phụ khoa… trữ trứng. Ngoài ra, còn có những người phụ nữ vào khoảng 40 tuổi vì một lý do nào đó trong cuộc sống chưa sinh con được ngay cần trữ trứng (trữ noãn) để sau này sinh con.
Theo bác sĩ Ngọc Hải, những người trẻ trữ trứng là theo cảm tính và mong ước của cá nhân nên cần phải hết sức thận trọng, cá thể hóa cho từng bệnh nhân. Phải xét đến các vấn đề về y học là hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam mang tính nhân đạo, đó không phải là dịch vụ kỹ thuật chỉ định mang tính xã hội và theo mong muốn của cá nhân.
Lý do là khi thực hiện thủ thuật can thiệp để trữ trứng sẽ có những rủi ro trong lúc gửi hoặc kích trứng. Cụ thể, phản ứng quá kích của buồng trứng có thể gây tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, tràn dịch màng bụng…