Đảm bảo người cao tuổi tại TP.HCM khám sức khỏe định kỳ hàng năm
UBND TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường hoạt động khám sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn TP.HCM năm 2024.
Trước đó, UBND TP đã ban hành kế hoạch về việc khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi, yêu cầu đảm bảo mỗi người cao tuổi đều được khám sức khỏe định kỳ 1 lần/năm. Đến 15-7, TP đã khám sức khỏe cho 156.560 người cao tuổi, dự kiến đến cuối năm 2024 khám cho khoảng 280.000 người cao tuổi, chiếm tỷ lệ 23% chỉ tiêu đề ra.
Tiếp tục thực hiện kế hoạch, UBND TP đề nghị các đơn vị tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ khám sức khỏe người cao tuổi. Các phường xã, thị trấn rà soát, lập danh sách người cao tuổi để mời người cao tuổi đến khám sức khỏe theo đúng hướng dẫn của Sở Y tế. Tuyên truyền để người dân hiểu lợi ích của việc tầm soát, khám sức khỏe.
UBND TP cũng yêu cầu Sở Y tế rà soát, xem xét bổ sung chỉ tiêu khám sức khỏe người cao tuổi là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác chăm sóc sức khỏe của địa phương năm 2024.
Nhiều cải tiến chất lượng tại bệnh viện đông nhất TP.HCM
Ngày 6-8, Đoàn Kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện số 1 do TS Nguyễn Trọng Khoa – phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã kiểm tra đánh giá chất lượng Bệnh viện Chợ Rẫy.
PGS.TS Lâm Việt Trung – phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh viện đầu tư, mua sắm nhiều thiết bị hiện đại, đồng thời triển khai nhiều kỹ thuật cận lâm sàng và lâm sàng như ghép xương 3 D, xạ trị Gamma Knife phân liều…
Xem tin tưc mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây
Trung bình mỗi ngày bệnh viện khám 5.600 bệnh nhân. Trong 6 tháng đầu năm 2024, có trên gần 760.000 người bệnh đến khám và cấp cứu tại Bệnh viện, trong đó điều trị nội trú trên 135.000 người, ngày điều trị trung bình 6 ngày.
Tại bệnh viện vẫn còn diễn ra tình trạng quá tải tại khoa Khám bệnh và một số khoa điều trị nội trú do nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân cao, bệnh viện là bệnh viện đa khoa tuyến cuối.
Thời điểm hiện tại Bệnh viện không diễn ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ảnh hưởng đến công tác điều trị người bệnh; tỉ lệ hài lòng của người bệnh cao nhờ những cải thiện của bệnh viện. Qua khảo sát 3.600/4.247 nhân viên y tế, có 83% nhân viên y tế hài lòng với bệnh viện và đội ngũ lãnh đạo bệnh viện.
Tuy nhiên, ông Khoa cũng lưu ý bệnh viện cần kẻ lại vạch chỉ dẫn khoa Khám bệnh, bố trí phòng để quần áo, ga gối thay cho người bệnh; thay bàn mặt kính lấy mẫu xét nghiệm, cải tiến ghi chép hồ sơ bệnh án, tổ chức hệ thống chăm sóc người bệnh, điều chỉnh biểu mẫu ghi chép…
Đề nghị bảo lưu phí bảo hiểm thất nghiệp với người đóng trên 144 tháng
Tại hội thảo bàn về Luật Việc làm sửa đổi tổ chức tại TP.HCM chiều 6-8, về sửa đổi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp nhằm hướng tới việc hỗ trợ, duy trì tốt hơn việc làm cho người lao động, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương kiến nghị tại điểm đ, Khoản 3, Điều 90 cần giải quyết hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng để khuyến khích người lao động có tay nghề làm việc lâu dài.
Tại điểm b, c, h Khoản 1, Điều 105 cần tăng thêm thời gian (hơn 3 ngày) để người lao động khai báo trường hợp: có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên khi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
“Ngoài ra, cần xem xét lại quy định về nộp hồ sơ trực tuyến (trong Luật không quy định) như hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và thông báo tìm việc làm; chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, bởi điều này dẫn đến nhiều khó khăn trong tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp”, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương chia sẻ.
Hoàn tất thanh toán lệ phí xét tuyển, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành lọc ảo từ 13-8
Tính đến 17 giờ ngày 6-8, thí sinh trên cả nước đã hoàn tất thanh toán lệ phí xét tuyển đại học. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các thí sinh phải thực hiện nộp lệ phí đăng ký xét tuyển theo hình thức trực tuyến từ ngày 31-7 đến 17 giờ ngày 6-8. Nếu thí sinh đăng ký xét tuyển thành công nhưng quên hoặc không nộp lệ phí thì sẽ không được xét tuyển đại học.
Sau thời gian nộp lệ phí xét tuyển, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai công tác lọc ảo từ ngày 13-8 đến 17 giờ ngày 17-8 và được thực hiện 6 lần.
Lần lọc ảo cuối cùng hoàn thành vào 16 giờ ngày 17-8. Chậm nhất 1 giờ sau đó, các trường đại học nhập mức điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên hệ thống. Mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất. Các trường công bố điểm chuẩn chậm nhất vào 17 giờ ngày 19-8.
Hiện một số cơ sở đào tạo đã công bố thời điểm dự kiến công bố điểm chuẩn. Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến sẽ công bố điểm chuẩn xét tuyển năm 2024 vào 64 ngành, chương trình đào tạo ngay trong ngày 17-8.
Học viện Ngân hàng cũng dự kiến công bố điểm chuẩn vào ngày này. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến công bố điểm chuẩn vào ngày 19/8…
Năm 2024, tính đến thời điểm khóa cổng đăng ký xét tuyển trực tuyến (17 giờ ngày 30-7), Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung ghi nhận hơn 733.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển, tương đương 68,5% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.