Nhiều năm qua, ngành y tế TP.HCM đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm giải pháp nhằm từng bước giải quyết bài toán quá tải.
Bệnh viện chủ động tìm kiếm giải pháp
Tại Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM), mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 4.700 – 4.800 bệnh nhân đến khám, khoảng 1.000 – 1.100 bệnh nhân ngoại trú hóa trị hoặc xạ trị trong ngày và 800 – 900 bệnh nhân nội trú. Trong đó, 84% bệnh nhân đến từ các tỉnh thành và khoảng 700 – 750 bệnh nhân tại TP.HCM đến khám mỗi ngày.
Hiện người bệnh ngoại trú tại bệnh viện này tăng khoảng 8 – 10% so với trước đây. Bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp để giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh. Trong đó tổ chức tiếp nhận và khám bệnh sớm từ 5h sáng, tăng số ca xạ trị từ 5h – 22h mỗi ngày.
Nhờ đó, thời gian chờ xạ trị giảm trung bình khoảng 1 – 2 tuần so với trước đây theo từng loại bệnh lý. Đồng thời tổ chức mổ ngoài giờ hành chánh và ngày thứ bảy. Thời gian chờ mổ giảm 1 – 3 tuần tùy bệnh. Ngoài ra, bệnh viện áp dụng công nghệ thông tin để hẹn lịch mổ tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh không phải xếp hàng chờ đợi.
Theo lãnh đạo bệnh viện này, nếu bệnh nhân đến bệnh viện khám và điều trị tiếp tục tăng hơn nữa trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tăng cường những giải pháp khác và tiếp tục khảo sát, đưa ra những giải pháp tối ưu nhất để giảm thời gian chờ, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh đến khám chữa bệnh tại bệnh viện.
Nhiều bệnh viện khác tại TP.HCM cũng đã gấp rút triển khai nhiều ứng dụng công nghệ, đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào áp dụng trong khám chữa bệnh. Người bệnh tiết kiệm thời gian nhận kết quả, nhanh, gọn, hiệu quả hơn, tránh tình trạng phải xếp hàng chờ đợi.
Bệnh viện Bình Dân trả kết quả xét nghiệm qua SMS, tránh được tình trạng ùn ứ, bệnh nhân linh hoạt hơn, trong thời gian chờ có thể tranh thủ nghỉ ngơi, đặt lịch khám online, thanh toán không dùng tiền mặt…
Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) với ứng dụng chụp X-quang có kết quả trong vòng 20 giây sau chụp, nhanh chóng thể hiện hình ảnh những khu vực tổn thương ban đầu (nếu có), giúp bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đọc phim nhanh hơn và không bỏ sót tổn thương…
Đa dạng hóa giải pháp giảm tải
Bắt đầu từ năm 2014, ngành y tế TP đã triển khai 7 dự án trọng điểm như dự án Bệnh viện Nhi đồng TP, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình mới tại huyện Bình Chánh; dự án ba bệnh viện cửa ngõ Hóc Môn, Củ Chi và đa khoa khu vực Thủ Đức…
Riêng năm 2024 trong đầu tư công lĩnh vực y tế, TP.HCM có 7 dự án chuyển tiếp đang được thi công và 35 dự án đã được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương chuẩn bị đầu tư, đang được lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi với chủ đầu tư.
Tổng vốn đầu tư công năm 2024 cấp cho 10 dự án do các đơn vị trực thuộc Sở Y tế TP làm chủ đầu tư là hơn 253.000 tỉ đồng.
Để giảm tải cho các bệnh viện, TP.HCM đã và đang triển khai hỗ trợ cho bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện vệ tinh.
Hiện ngành y tế TP đã ký hợp tác với y tế các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chuyển giao kỹ thuật giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối trên địa bàn TP.HCM và các bệnh viện tuyến tỉnh thuộc vùng.
Xây dựng mạng lưới các chuyên khoa từ các bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM đến các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến y tế cơ sở; ưu tiên các chuyên khoa sản, nhi, ngoại thần kinh…
Mới đây nhất, để giảm tải cho các bệnh viện và thu hút người dân đến khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở, Sở Y tế đã tổng hợp danh mục thuốc từ các trung tâm y tế với hơn 400 loại. Dự kiến đến tháng 9-2024 sẽ có kết quả lựa chọn nhà thầu để bắt đầu cung ứng thuốc cho các trung tâm y tế, trạm y tế.