WHO đã tiến hành khảo sát hàng nghìn bé gái vị thành niên trong độ tuổi từ 15-19 ở 154 quốc gia và khu vực, trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2018. Kết quả được công bố trên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới The Lancet ngày 30-7.
Theo đó, 24% các em phải chịu đựng bạo lực trong mối quan hệ tình cảm ít nhất 1 lần, trong đó có 16% các cuộc bạo lực diễn ra vào năm ngoái.
Các hành vi bạo lực được tính trong nghiên cứu bao gồm hành động đá, đấm hoặc bất kỳ hành vi tình dục nào không nhận được sự đồng ý của chủ thể như hiếp dâm hoặc có hành vi hiếp dâm.
Tiến sĩ Lynnmarie Sardinha, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết dự án được thúc đẩy bởi mối lo ngại các phụ nữ trẻ bị “bỏ rơi” và không nhận được sự quan tâm đầy đủ.
“Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy một lượng lớn các trẻ em gái trong độ tuổi vị thành viên phải chịu đựng bạo lực trong mối quan hệ tình cảm. Điều này thậm chí còn diễn ra trước khi các em bước sang tuổi 20”, tiến sĩ Lynnmarie Sardinha cho hay.
Dữ liệu được phân tích theo quốc gia và khu vực cho thấy có mối liên hệ giữa tình trạng bạo lực và quyền phụ nữ. Phụ nữ ở các quốc gia bị giới hạn tiếp cận giáo dục có khả năng bị bạo lực cao hơn.
Châu Đại Dương ghi nhận tỉ lệ trẻ em nữ bị bạo lực cao nhất, với 49% được ghi nhận ở Papua New Guinea.
Theo sau là châu Phi với 42% trẻ em nữ ở CHDC Congo. Châu Âu có tỉ lệ nạn nhân thấp nhất với chỉ 10%.
Tiến sĩ Pascale Allotey, giám đốc phụ trách nghiên cứu sức khỏe sinh sản và tình dục của WHO, nhận định rằng hành vi bạo lực diễn ra trong những năm quan trọng với quá trình trưởng thành có thể gây tổn thương sâu sắc và lâu dài cho các trẻ em gái ở độ tuổi vị thành niên.
Vì vậy, vấn đề này cần phải được xem xét nghiêm túc như một vấn đề y tế công cộng, chú trọng vào việc phòng ngừa và hỗ trợ đúng đối tượng.