Không có bệnh thiếu flour mà chỉ có bệnh do thừa flour
PGS.TS Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết flour là vi chất tham gia vào quá trình phát triển răng, tạo ngà răng và men răng, ức chế hoạt động các hoạt động làm hại men răng, làm tăng tính chắc khỏe của xương răng.
Fluor giữ vai trò quan trọng trong quá trình tạo xương, kích thích tổng hợp collagen giai đoạn đầu tiên khôi phục vị trí gãy xương. Trong phòng chống loãng xương, natri flour kích thích trực tiếp nguyên bào xương dẫn đến làm tăng khả năng tạo xương. Song liều lượng sử dụng có lợi mà không gây thừa là rất khó xác định.
Ngoài ra, flour có ảnh hưởng đến sự điều hòa chuyển hóa canxi – photpho. Trong cơ thể, lượng flour tập trung cao nhất ở xương và răng. Quá trình tích chứa flour ở răng xảy ra lúc còn bé, trong thời kỳ hình thành và phát triển các răng vĩnh viễn.
Flour có ảnh hưởng tới một số chức phận và hệ thống trong cơ thể. Khi thiếu flour thì sẽ gây bệnh sâu răng nhưng khi thừa flour sẽ gây rối loạn chuyển hóa photpho – canxi dẫn tới xốp xương.
Thừa hay thiếu flour đều có hại như nhau cho cơ thể. Do đó, cần sử dụng đúng liều. Trên thực tế không có bệnh thiếu flour mà chỉ có bệnh do thừa flour. Thừa flour dẫn tới men răng bị lốm đốm đen, có thể phát triển thành các lỗ thủng nhỏ, các xương dài dễ cong, dễ gãy vì xương có nhiều flour sẽ yếu, không chắc.
Hơn nữa, flour là chất oxy hóa mạnh, nếu dư làm cơ thể mau lão hóa, tăng huyết áp, nôn mửa, đau bụng.
ThS Nguyễn Hữu Tân, bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt, cảnh báo flour là một khoáng chất có trong tự nhiên, có tác dụng làm chắc răng và bảo vệ chống lại sâu răng.
Trước đây, sử dụng bổ sung flour là phương pháp hữu hiệu trong phòng chống sâu răng và làm giảm sự ê buốt răng. Đối với trẻ em flour có lợi ích ngăn ngừa sâu răng, tuy nhiên nếu thừa flour sẽ gây tác dụng ngược lại làm hại cho răng, gây biến đổi màu sắc của răng, một tình trạng dễ gặp hiện nay.
Hầu hết bố mẹ của các trẻ ở thành phố ý thức được việc chăm sóc sức khỏe răng miệng và bổ sung flour cho con trẻ, tuy nhiên việc cả cộng đồng cùng ý thức về tác dụng của flour mà không có sự tổ chức tổng thể và cân bằng về lượng flour lại gây ra tác dụng ngược.
Nguồn nước cung cấp sử dụng được flour hóa, về nhà bé lại được bố mẹ chăm sóc bằng các loại kem đánh răng bổ sung flour khiến nguy cơ trẻ tiếp cận dư thừa flour tăng cao.
Đặc biệt mật độ tập trung nhiều ở các khu vực có đời sống kinh tế phát triển.
Theo bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu – khoa nhi Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc, trong thức ăn và nước uống hằng ngày cho trẻ em luôn có một lượng flour nhất định. Tuy nhiên nếu cha mẹ thường xuyên cho con tiếp xúc với một hàm lượng cao flour sẽ dẫn đến tình trạng trẻ bị thừa flour và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ.
Trẻ nguy cơ thừa flour khi tiếp xúc thường xuyên với các nguồn flour sau đây:
– Cha mẹ cho trẻ uống nhiều thuốc flour ngay từ khi con còn nhỏ với quan niệm bổ sung lượng flour giúp răng bé chắc khỏe và không bị vi khuẩn xâm nhập mà không cân nhắc đến nồng độ gây hại cho trẻ.
– Một số địa phương thêm flour vào nguồn nước để giảm tỉ lệ sâu răng, nhưng nồng độ vượt quá ngưỡng cho phép hoặc bổ sung ở các vùng không bị thiếu flour.
– Sử dụng các loại thuốc tẩy trắng răng chứa nhiều flour.
– Sử dụng quá nhiều nước súc miệng, kem đánh răng chứa flour.
Chú ý hàm lượng flour đảm bảo ăn hợp lý
PGS.TS Trần Đáng cho biết flour có trong nước tự nhiên, hàm lượng tùy vùng. Vùng có lượng cao flour trong đất và nước là nơi có núi lửa đang hoạt động hoặc vùng có mỏ flour apatit.
Ngoài ra, ở các vùng công nghiệp sử dụng flour vào kỹ nghệ sản xuất (như kỹ nghệ sản xuất nhôm, magiê, ximăng, phân bón…), các chất thải bỏ của nhà máy super – photpho cũng làm tăng lượng flour trong không khí, đất và rau quả tại đó.
Khi lượng flour trong nước dưới 0,5mg/l xảy ra các biểu hiện thiếu flour, đặc biệt là sâu răng. Biện pháp bổ sung flour là trộn vào muối (natri florua) hoặc vào bột cho trẻ em. Nhu cầu bổ sung như sau: Trẻ từ 6 – 2 tuổi 0,25mg/ngày; trẻ từ 2 – 4 tuổi 0,5mg/ngày; trẻ từ 4 – 16 tuổi: 1mg/ngày.
Flour còn có trong thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm nguồn gốc thực vật (rau xanh, cà chua, củ cải đỏ, cải xoăn, súp lơ)…
Hàm lượng flour trong 100g thực phẩm ăn được như sau: khoai lang 862mcg, khoai tây 50mcg, bột mì 53mcg, đậu tương 1470mcg; cá thu 150mcg; cá trích 160mcg; nấm mỡ 31mcg; cà chua 50mcg, cà rốt, hành tây 12mcg, chuối tiêu 23mcg, bưởi 25mcg, dưa chuột 20mcg; súp lơ 12mcg…
Tuy nhiên, bổ sung cần tránh thiếu và dư thừa. Ngoài việc chú ý đến lượng flour còn cần quan tâm đến các điều kiện sống vệ sinh, đảm bảo một chế độ ăn hợp lý để cung cấp đầy đủ vitamin và protein.
Để phòng ngừa tình trạng thừa flour ở trẻ em, cha mẹ cần:
Sử dụng kem đánh răng, nước súc miệng dành cho trẻ em có chứa hàm lượng flour hợp lý hoặc không chứa flour cho trẻ theo độ tuổi để tránh dư thừa.
Lựa chọn loại kem đánh răng, nước súc miệng chứa lượng flour không phải là biện pháp duy nhất để bảo vệ răng miệng cho trẻ. Trẻ em cần được cung cấp đầy đủ canxi và vi chất để hình thành bộ răng và hệ xương chắc khỏe.
Tạo môi trường sống hợp vệ sinh cho trẻ, cung cấp chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý. Giúp trẻ biết thực hiện các biện pháp vệ sinh thân thể, trong đó có vệ sinh răng miệng đúng cách. Đưa trẻ đi khám nha sĩ định kỳ và nhờ tư vấn thêm về sức khỏe, vệ sinh răng miệng, nhất là việc bổ sung flour nhằm hạn chế dư thừa flour ở trẻ em.
Cơ quan chức năng flour hóa nguồn nước sử dụng cá nhân hóa cho từng nhóm cộng đồng dân cư, chỉ flour hóa ở địa phương và cộng đồng có sự thiếu hụt flour. Các bậc cha mẹ cũng phải điều chỉnh việc bổ sung flour cho trẻ tùy theo thói quen sinh hoạt và tình hình dinh dưỡng của gia đình mình.