Đây là thông tin được các chuyên gia, bác sĩ đưa ra tại Hội nghị khoa học về bệnh nội tiết đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa Việt Nam lần thứ 12 diễn ra mới đây ở Đà Nẵng.
BS Ngô Thị Thu Hiền
Phụ nữ béo phì ngày càng tăng
Bác sĩ Hoàng Khánh Chi – khoa nội tiết Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM – cho hay béo phì ở phụ nữ đang gia tăng trên toàn thế giới, dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe nữ giới.
Theo đó, béo phì làm tăng nguy cơ xuất hiện các tình trạng phụ khoa và sản khoa khác nhau ở phụ nữ, gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Rối loạn kinh nguyệt và hội chứng buồng trứng đa nang cũng phổ biến hơn ở phụ nữ béo phì.
Bác sĩ Ngô Thị Thu Hiền – khoa phụ sản Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng – cho biết phụ nữ béo phì tiềm ẩn nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang cũng như rối loạn nội tiết do chuyển hóa nên dễ bị mắc bệnh lý phụ khoa như viêm âm đạo do nấm, viêm lộ tuyến cổ tử cung, rối loạn kinh nguyệt, như vô kính, kinh thưa, cường kinh.
Đặc biệt, béo phì làm tăng nguy cơ bị hiếm muộn, vô sinh, cả các bệnh ung thư phụ khoa có liên quan đến nội tiết.
Bác sĩ Đặng Bích Ngọc – khoa nội tiết – đái tháo đường Bệnh viện Bạch Mai – cho hay phần lớn đái tháo đường tuýp 2 đi kèm với yếu tố nguy cơ là hội chứng chuyển hóa, trong đó thừa cân và béo phì là yếu tố nguy cơ chính của bệnh.
Một khảo sát cho thấy thừa cân, béo phì có mối tương quan thuận với giới tính nữ, vòng eo, tình trạng gan nhiễm mỡ và tăng huyết áp. Nữ giới tăng nguy cơ thừa cân, béo phì gấp khoảng 4,7 lần so với nam giới. Thừa cân, béo phì làm tăng vòng eo gấp 1,5 lần so với bệnh nhân có cân nặng bình thường.
Thừa cân, béo phì cũng làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ gấp 4,5 lần so với bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 có cân nặng bình thường, làm tăng nguy cơ tăng huyết áp độ II gấp 5,4 lần.
Kiểm soát cân nặng ra sao?
Theo bác sĩ Hoàng Khánh Chi, cần nhận thức và điều chỉnh kịp thời cân nặng để mang lại nhiều lợi ích không chỉ sức khỏe tổng quát, sức khỏe chuyển hóa mà còn cải thiện chức năng sinh sản, giảm tác động của những biến chứng riêng ở phụ nữ béo phì.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Sơn – phó chủ nhiệm khoa khớp, bộ môn khớp và nội tiết Bệnh viện Quân y 103 – cho biết để giảm cân hiệu quả cần phối hợp nhiều yếu tố gồm tư vấn, điều trị từ các nhân viên y tế, hỗ trợ thay đổi lối sống cá nhân, sự đồng hành của gia đình, các câu lạc bộ, hội nhóm giảm cân…
Trong đó, theo bác sĩ Sơn, “để giảm cân, cần thay đổi chế độ ăn, cải thiện thói quen ăn uống, tăng cường hoạt động thể chất và gặp các chuyên gia dinh dưỡng để duy trì quản lý cân nặng lâu dài, bền vững”.