Những bảo mẫu trong bệnh viện

Bà Phan Thị Mỹ đang chăm sóc bệnh nhi tại khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng 1 – Ảnh: THÙY DƯƠNG

Vào nghề từ khi còn là một cô gái 20 tuổi, đến nay bà Nguyễn Thị Kim Thoa (ngụ ở Q.8, TP.HCM) đã theo nghề hơn 18 năm.

Cô bảo mẫu từ chỗ “ráng mấy tháng” cho đến hơn 18 năm gắn bó với nghề

Ngày đầu tiên đi làm nhìn thấy những bé mới sinh nhỏ xíu chỉ hơn 1kg, cô gái Thoa thấy sợ. Buổi tối hôm đó, Thoa nói với má: “Má ơi, con không đi làm nữa đâu. Nhìn những bé mới sinh ra nhỏ như nắm tay của con, con thấy sợ!”. Nghe vậy, má Thoa động viên: “Con ráng làm mấy tháng nữa xem có được không?”.

Bà Thoa lúc ấy nghĩ ráng thêm một thời gian nữa rồi nghỉ. Bà Thoa từng “choáng” khi được một nhân viên y tế nhờ “phụ chị giữ bé để chị chích kim cho bé” vì cứ nhìn thấy cây kim là bà Thoa thấy sợ.

Thời gian đầu khi tiếp nhận công việc, bà Thoa nghĩ mình không thể theo nghề, nhưng nghe theo lời mẹ ráng làm mấy tháng vì người chị họ giới thiệu và “ráng đến bây giờ luôn”.

Những ngày tháng bận rộn với bệnh nhi trôi qua và không biết từ lúc nào bà Thoa yêu công việc này, yêu những bệnh nhi ở khoa.

Nhìn những em bé mới sinh ra đã bị bệnh, phải điều trị trong đau đớn, bà Thoa cũng muốn góp một công sức nhỏ bé để xoa dịu nỗi đau của con trẻ. Lúc nào thư thư việc, bà đến bên các bé để nói chuyện. Những lúc được các con “u,ư” trả lời lại, được các con nở một nụ cười, bà Thoa thấy mình nhận được những niềm vui.

Bà Thoa còn nhớ bé trai năm ấy bị bỏ rơi trong thùng rác bệnh viện. Người nhà bệnh nhi khác nghe thấy tiếng khóc đến gần xem thì thấy kiến bu đầy người bé. Người nhà bệnh nhi đưa bé cho bảo vệ bệnh viện và bảo vệ chuyển bé vào trong khoa.

Bé được chăm sóc một thời gian ở khoa, sau đó được chuyển vào trại trẻ mồ côi. “Giờ này chắc bé cũng là một chàng trai chừng 17 – 18 tuổi rồi!”, bà Thoa ước chừng.

Công việc chăm sóc các bé thật vất vả, đặc biệt là vào những đêm có đông bệnh nhi. “Nhưng làm nhiều thì cũng quen”, bà Thoa chia sẻ. Ngoài những vất vả, bà Thoa cho rằng học được rất nhiều từ công việc này.

Những món quà nụ cười

Còn bà Phan Thị Mỹ, 52 tuổi, gắn bó với nghề bảo mẫu 22 năm. Nhà bà Mỹ ở huyện Hóc Môn. Mỗi ngày bà đến bệnh viện làm việc, cả đi cả về cũng gần 50 km.

Trong khoa sơ sinh có sáu bảo mẫu, bà Mỹ lớn tuổi nhất và cũng là người làm nghề bảo mẫu lâu năm nhất.

“Muốn theo được nghề này ngoài tình thương với các bé thì phải có sức khỏe mới làm được”, bà Mỹ chia sẻ. Đã có những bảo mẫu phải bỏ việc giữa chừng vì thấy không thể cáng đáng được công việc này.

Những bé bị nhiễm trùng da luôn bứt rứt trong người và nếu không tắm bé sẽ rất hôi, dù không ai yêu cầu nhưng ngày nào bà Mỹ cũng tắm cho bé để các bé thoải mái, không còn mùi hôi.

Nằm điều trị tại khoa sơ sinh, vào thứ Ba và thứ Sáu các bé sẽ được người nhà vào thăm 15 phút. Riêng những bé bị bỏ rơi rất tội nghiệp vì không có ai đến thăm. Với những bé bị bỏ rơi này, lúc xong việc bà Mỹ lại hay đến nói chuyện cùng các bé nhiều hơn.

Khi gắn bó với nghề, bà Mỹ luôn tìm thấy niềm vui. Làm luôn tay luôn chân nhưng rảnh chút bà lại ra nói chuyện với các bé. Lần đó có một bé đang khóc, bà đến nói với bé vài câu rồi hỏi “Sao con khóc hoài vậy?”. Ai dè bé nở nụ cười, bà Mỹ thấy trong lòng “ấm áp và vui đến lạ”.

Niềm vui hàng ngày trong công việc của bà Mỹ chính là nụ cười của các bé, là khi có bé được xuất viện về nhà. Bên cạnh niềm vui cũng không tránh khỏi những nỗi buồn. Như gần đây có một bé bị rối loạn chuyển hóa nằm điều trị trong khoa cả tháng, sau đó bé mất.

“Từng chăm sóc các bé hàng ngày, gắn bó với bé như người nhà. Lúc bé “đi xa”, tôi thấy rất thương bé và buồn”, bà Mỹ xúc động kể.

THS.BS.CK2 Nguyễn Kiến Mậu, trưởng khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết trong khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng 1 có phòng cho những bệnh nhi cần phải chăm sóc đặc biệt.

Nhiệm vụ của bảo mẫu là sẽ hỗ trợ cho điều dưỡng những công việc ở phòng cấp cứu của khoa như thay tã cho bé, vệ sinh, tắm cho bé, giao nhận sữa cho các bé và hỗ trợ điều dưỡng, hướng dẫn cho người nhà – thân nhân bệnh nhi…

Ngoài ra, bảo mẫu còn tắm cho trẻ sơ sinh bệnh lý nằm ở phòng bệnh bên ngoài phòng cấp cứu (khoảng 50 – 60 trẻ). Nghề bảo mẫu trong bệnh viện đã xuất hiện từ hàng chục năm trước.

Thời gian đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 thiếu điều dưỡng, số bệnh nhi nhập viện tăng nên Bệnh viện Nhi đồng 1 đã phải tuyển lực lượng bảo mẫu để hỗ trợ điều dưỡng…

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *