Ghi nhận của chúng tôi tại một số bệnh viện trên cả nước cho thấy người bệnh phải xoay xở đủ đường.
Mua từ thuốc, bông gạc, nẹp chân, dây, kim truyền
Giữa trưa 15-7, tông H. gấp gáp đội mưa chạy nhanh ra hiệu thuốc cổng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) mua ống đặt nội khí quản cho người thân chuẩn bị mổ. Cầm ống trên tay, ông nói bác sĩ kêu đi mua, giá bán tại các nhà thuốc này 90.000 – 100.000 đồng.
Cũng phải mua vật tư bên ngoài, ông D. (trú tại Hà Nội) đang truyền hóa chất điều trị ung thư ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay từ tháng 3 đến nay, mỗi lần đến bệnh viện truyền hóa chất theo lịch đều phải mua dây và kim truyền. Ông D. nói mỗi vật tư chỉ có giá vài ngàn đến vài chục ngàn, thế nhưng việc để bệnh nhân tự đi mua cũng gây không ít phiền toái.
Tại Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều), hai vợ chồng ông L. (60 tuổi, trú tỉnh Nghệ An) tay xách nách mang lỉnh kỉnh đồ đạc chuẩn bị về quê sau phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày. Ông nói vừa nằm viện gần một tuần, khi ra viện đã được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán 80%, tương đương khoảng 22 triệu, nhưng khi điều trị cũng phải mua một số vật tư như kim truyền, dao mổ… mất gần 10 triệu đồng.
Tại khu nội trú Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TP.HCM), bà N.T. (40 tuổi) cho biết chồng bà phải mổ chân tại bệnh viện sau khi bị tai nạn lao động. Trong quá trình mổ, mặc dù có thẻ BHYT thế nhưng bác sĩ yêu cầu phải mua băng gạc ở ngoài.
Tại khu chi dưới, chị Q.H. (30 tuổi) chia sẻ có người thân bị chấn thương tại chân được chuyển đến bệnh viện điều trị. Khi có chỉ định mổ chân các bác sĩ cho biết bệnh viện đã hết nẹp chân do chưa đấu thầu được, do đó bệnh nhân có thể mổ tạm thời, nếu muốn chắc ăn có thể chuyển đến bệnh viện khác để điều trị.
Mặc dù vẫn còn tình trạng bệnh nhân phải mua vật tư, thuốc bên ngoài, thế nhưng theo ghi nhận người bệnh cũng cho hay đã có chuyển biến tích cực hơn trước. Bà H. (65 tuổi, Hà Nội) đã điều trị tiểu đường type 2 tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh gần 10 năm nay.
Bà chia sẻ cuối năm 2023 và đầu năm 2024, bệnh viện thông báo hết thuốc điều trị tiểu đường mà bà đang sử dụng, có thể thay thế bằng một số loại thuốc khác. “Mừng là hai tháng nay đã cấp thuốc trở lại. Hôm qua đến lịch tái khám, cấp thuốc, tôi cũng không phải lo thêm tiền mua thuốc nữa”, bà H. cười nói.
Bệnh viện xoay xở
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho hay bệnh viện đang nỗ lực để đảm bảo thuốc, vật tư khám chữa bệnh cho người dân.
“Tuy nhiên, khi tiến hành đấu thầu theo thông tư mới, cũng có những trục trặc nhất định, không phải mời thầu là đấu thầu được ngay. Bệnh viện cũng đang nỗ lực tiến hành đấu thầu, bộ phận làm thầu phải tăng ca cả cuối tuần để đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng mua sắm theo hình thức khẩn cấp để đủ vật tư mổ cho người bệnh. Dự kiến 1-2 tuần tới, khi các gói thầu hoàn thiện mới có thể ổn định được”, vị này cho hay.
Về vấn đề người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư tại Bệnh viện K, trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Bệnh viện K cũng thừa nhận hiện vẫn còn một số vật tư chưa trúng thầu. Dự kiến 2 – 3 tuần nữa các gói thầu này sẽ hoàn thiện, cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư BHYT cho người dân.
Lãnh đạo bệnh viện cũng cho hay một số loại thuốc, vật tư có gián đoạn trong thời gian đấu thầu nhưng bệnh viện cũng có các loại thay thế. Tuy nhiên, một số bệnh nhân không đồng ý đổi phác đồ điều trị, hoặc muốn sử dụng loại tốt hơn so với các loại bệnh viện cung cấp dẫn đến việc phải ra ngoài mua. Ông cũng khẳng định bệnh viện đang đẩy nhanh thực hiện đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế để đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Còn tại một bệnh viện hạng 2 ở Hà Nội, lãnh đạo bệnh viện cũng cho hay còn một số vướng mắc trong mua sắm thuốc, vật tư. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng nếu làm đúng theo Luật Đấu thầu hiện nay thì vẫn đáp ứng được sau khi việc đấu thầu vận hành trơn tru.
“Khi luật mới có hiệu lực, các bệnh viện đều phải làm theo quy định mới. Trong khi đó đấu thầu không thể nhanh mà mất 2 – 3 tháng. Trường hợp cấp bách, bệnh viện có thể mua sắm theo hình thức khẩn cấp nhưng chỉ dưới 50 triệu đồng, chỉ đủ sử dụng trong vài tuần đã hết”, vị này cho hay.
Đại diện Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TP.HCM) cũng cho biết thực tế có thiếu cục bộ một số ít dụng cụ kết hợp xương nhưng không nhiều, do số lượng dụng cụ trong hợp đồng trúng thầu đã hết so với dự trù ban đầu. Hiện tại bệnh viện đang tổ chức đấu thầu rộng rãi để mua sắm, phục vụ kịp thời cho bệnh nhân.
Bệnh viện phải chịu trách nhiệm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tường Sơn, vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), cho hay thời gian qua Bộ Y tế đã tổ chức ba hội nghị hướng dẫn đấu thầu tại các cơ sở y tế theo quy định mới. Hiện nay việc đấu thầu giao cho các cơ sở y tế thực hiện, chỉ một số loại danh mục mua sắm tập trung do Trung tâm Mua sắm tập trung quốc gia thực hiện.
Về vấn đề các bệnh viện nói khó khăn trong việc trượt thầu do giá thầu thấp, ông Sơn nêu rõ nghị định 24 hướng dẫn đầy đủ về việc xây dựng giá gói thầu gồm sáu phương pháp. Một số bệnh viện chọn giá thầu thấp để “an toàn”, trong khi đã có hướng dẫn nếu có nhiều giá có thể lấy giá trung bình hoặc giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính. Việc trượt thầu là do bệnh viện nghiên cứu giá thị trường, đưa ra giá thầu không hợp lý.
“Hiện có những địa phương, cơ sở y tế đã làm tốt công tác mua sắm, đấu thầu, đảm bảo thuốc, vật tư y tế điều trị cho người dân. Trong khi đó, vẫn có những đơn vị chưa làm được, điều này cần phải xem xét”, ông Sơn nhấn mạnh.
Theo quy định hiện nay, trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, vật tư y tế cung ứng cho người bệnh vì lý do chủ quan của cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở khám bệnh chữa bệnh chịu trách nhiệm theo quy định của hợp đồng khám bệnh chữa bệnh BHYT và quy định pháp luật về đấu thầu.
Cần Thơ: không thiếu nhiều như trước
Tại Cần Thơ, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tuy không còn căng thẳng như trước, tuy nhiên vẫn xảy ra thiếu ở một số thuốc đặc trị điều trị các bệnh lý ung thư, huyết học, thuốc y học cổ truyền, vật tư y tế phục vụ điều trị tim mạch.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, tuy cũng không còn thiếu thuốc và vật tư nhiều như trước, nhưng hiện người nhà bệnh nhân đến khám điều trị vẫn phải mua một số loại thuốc đặc trị như thuốc điều trị bệnh tay chân miệng (bệnh nặng) hay một số loại vật tư như băng keo, dây truyền đơn…
Chị N.T.T.M. (ở tỉnh Vĩnh Long) cho biết trước đó con chị đã từng nằm ở Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. Mặc dù có thẻ BHYT nhưng khi được đưa đến cấp cứu, điều trị do bị bệnh tay chân miệng, bác sĩ kê đơn thuốc điều trị, trong đó có loại thuốc đặc trị người nhà phải tự ra ngoài mua. Vì sốt ruột lo cho con nên cũng phải bấm bụng đi mua, chứ chị không hiểu sao đã có BHYT mà bệnh nhân vẫn phải tự mua thuốc điều trị.