Không có tinh hoàn vẫn sinh con và ung thư tinh hoàn
Ngày 15-7, các bác sĩ khoa nam học – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết vừa phẫu thuật thành công một trường hợp hiếm gặp do tinh hoàn ẩn.
Bệnh nhân nam 43 tuổi (Bắc Ninh) đi khám bệnh vì đau bụng, sờ thấy khối căng tròn vùng hạ sườn phải, bệnh nhân trước đó không có tinh hoàn hai bên ở bìu, vẫn lấy vợ và có hai con gái.
Sau khi được khám lâm sàng, bổ sung xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh và các marker ung thư tinh hoàn, các bác sĩ khoa nam học của bệnh viện nhận định đây là trường hợp mắc chứng ẩn tinh hoàn hai bên theo dõi ung thư tinh hoàn phải, teo tinh hoàn trái.
Bệnh nhân có chỉ định cắt bỏ tinh hoàn hai bên, sau phẫu thuật 7 ngày bệnh nhân ra viện ổn định. Chẩn đoán sau phẫu thuật: ung thư tinh hoàn phải, xơ teo tinh hoàn trái, sau phẫu thuật bệnh nhân được điều trị hóa chất bổ trợ và nội tiết.
ThS Nghiêm Trung Hưng, khoa nam học – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết tinh hoàn ẩn là một trong những dị tật bẩm sinh phổ biến của đường tiết niệu sinh dục. Tinh hoàn ẩn gây ra tình trạng vô sinh, teo tinh hoàn và ung thư tinh hoàn.
Theo Thorup J và cộng sự (2010), tỉ lệ ung thư tinh hoàn cao gấp 7,5 lần so với tinh hoàn ở bìu và khoảng 5-10% năm giới mắc ung thư tinh hoàn bị ẩn tinh hoàn. Sự biến đổi ác tính thường biểu hiện ở năm 30 – 40 tuổi.
Có hai giả thuyết về sự phát triển khối u trong các tinh hòa ẩn. Một là nhiệt độ trong ổ bụng cao hơn so với ở bìu, làm suy yếu quá trình chuyển đổi tế bào sinh tinh ở trẻ sơ sinh thành tinh nguyên bào và gây biến đổi theo hướng ác tinh sau tuổi dậy thì.
Hai là đã có sự biến đổi tiềm ẩn từ khi tinh hoàn còn phát triển trong tử cung của người mẹ gây ra tình trạng ẩn tinh hoàn và ác tính hóa. Điều này cũng có thể giải thích vì sao tỉ lệ mắc ung thư tinh hoàn tăng nhẹ ở bên đối diện, bác sĩ Hưng cho biết thêm.
Phẫu thuật sớm tránh ung thư và vô sinh
Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, khoa ngoại và chuyên khoa, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, tỉ lệ tinh hoàn ẩn chiếm 33% ở bé trai sinh non, 3 – 4% ở trẻ sinh đủ tháng. Đây là tình trạng tinh hoàn không nằm đúng vị trí (trong bìu) khi trẻ đã được sinh ra, mà nằm trong ổ bụng hoặc trên đường di chuyển từ bụng qua ống bẹn, xuống bìu.
Ẩn tinh hoàn có 3 loại: Tinh hoàn ẩn không sờ thấy (tinh hoàn đang nằm ở ổ bụng); tinh hoàn ẩn sờ thấy (tinh hoàn nằm trong ống bẹn) và tinh hoàn lạc chỗ (tinh hoàn đã qua lỗ bẹn sâu nhưng không nằm trong ống bẹn).
Lý giải về việc tinh hoàn ẩn, GS.TS Đỗ Trọng Hiếu, chuyên gia về sức khỏe sinh sản cho biết: khi còn trong bào thai tinh hoàn vẫn nằm trong ổ bụng, sau đó di chuyển dần xuống bìu. Khi sinh ra, hơn 90% tinh hoàn đã nằm trong bìu, số còn lại đang trên đường di chuyển, muộn nhất sau 1 năm tinh hoàn mới ổn định ở bìu.
Tinh hoàn có thể nằm ngay dưới thận, lỗ bẹn sâu, ống bẹn, lỗ bẹn nông, ngay phía trên bìu. Trẻ có thể bị tinh hoàn ẩn một bên hoặc cả 2 bên, khoảng 2/3 trường hợp trẻ bị một bên. Cần phân biệt tinh hoàn ẩn với tinh hoàn lạc chỗ (nằm ngoài những vị trí trên đường đi xuống bìu), một số vị trí hay gặp nhất là ổ bụng, đáy chậu, bẹn, mu.
GS Hiếu nhấn mạnh, tinh hoàn ẩn là một dị tật bẩm sinh cần phát hiện ngay sau khi sinh và theo dõi trong vòng 6 tháng tinh hoàn còn tiếp tục di chuyển, sau 1 năm chúng không còn di chuyển xuống nữa, sau 2 năm các tế bào dòng tinh bắt đầu bị ảnh hưởng.
Vì vậy, trẻ được chẩn đoán tinh hoàn không xuống bìu thường được chỉ định mổ sớm (lý tưởng nhất là 6 – 18 tháng tuổi), tránh nguy cơ xoắn tinh hoàn, ung thư hoá, giảm phát triển tinh hoàn, vô sinh…
Các chuyên gia cho biết, phẫu thuật là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Kéo tinh hoàn xuống và cố định trong bìu là biện pháp tương đối đơn giản.
Hai đường rạch nhỏ ở bẹn và trong ống bẹn để kéo tinh hoàn xuống và hai đường rạch nhỏ ở bìu để cố định tinh hoàn. Vài giờ sau phẫu thuật bệnh nhi có thể ra viện. Việc không phát hiện và điều trị sớm không chỉ gây ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý mà còn gây vô sinh và nguy cơ ung thư.
Thời điểm tốt nhất để phẫu thuật là khi trẻ được 1 tuổi vì sau 1 tuổi trong tinh hoàn ẩn sẽ xuất hiện tế bào Leydig bất thường, làm giảm số lượng tế bào mầm và xuất hiện xơ hóa quanh các ống sinh tinh. Tình trạng giảm khả năng sinh sản có thể gặp trong tinh hoàn ẩn một bên hoặc cả hai bên.
Nếu tinh hoàn ẩn 1 bên thì số lượng tinh trùng nhiều khả năng vẫn bình thường. Nếu tinh hoàn ẩn ở cả 2 bên và đều được điều trị phẫu thuật mổ tinh hoàn thì chỉ 25% trường hợp có số lượng tinh trùng bình thường.
Ngoài ra, sau phẫu thuật điều trị, bệnh nhi cần phải tiếp tục theo dõi nguy cơ ung thư tinh hoàn vì nam giới bị tinh hoàn ẩn có nguy cơ ung thư cao gấp 40 lần so với người bình thường. Quá trình ung thư thường xảy ra vào độ tuổi trên 30 tuổi.
Vì vậy, phụ huynh cần lưu ý và kiểm tra sớm cho trẻ. Một khi phát hiện các bất thường vùng bẹn bìu, cần đưa trẻ đi khám sớm ở các chuyên khoa có kinh nghiệm về bệnh trẻ em, đặc biệt là ngoại khoa trẻ em để được tư vấn sớm và điều trị kịp thời, tránh những tác hại không mong muốn về sau.
Tinh hoàn ẩn cần được phát hiện ngay sau sinh để có kế hoạch theo dõi và điều trị sớm. Trẻ cần điều trị trước 2 tuổi để khả năng sinh sản sau này không bị ảnh hưởng. Nếu để sau 2 tuổi trở ra, nguy cơ vô sinh sẽ càng tăng.
“Phẫu thuật hạ tinh hoàn ẩn có thể không ngăn ngừa được sự phát triển thành ung thư ở tất các các bệnh nhân, nhưng nó chắc chắn giúp phát hiện sớm ung thư tinh hoàn.
Nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường vùng bìu, bệnh nhân nên khám tại các cơ sở chuyên khoa nam học có trình độ cao và trang thiết bị hiện đại để được chẩn đoán chính xác, điều trị bệnh kịp thời, tránh các biến chứng do điều trị muộn không đáng có” – bác sĩ Hưng khuyến cáo
Các số liệu cho thấy tỉ lệ có con (tự nhiên) ở nam giới bị tinh hoàn ẩn sau phẫu thuật mổ tinh hoàn như sau:
– 90% nếu điều trị ở giữa 1 – 2 tuổi;
– 50% nếu điều trị ở giữa 2 – 3 tuổi;
– 40% nếu điều trị giữa 5 – 8 tuổi;
– 30% nếu điều trị giữa 9 – 12 tuổi;
– Chỉ còn 15% nếu điều trị khi quá 15 tuổi.