Các bác sĩ cảnh báo việc lạm dụng thực phẩm bổ sung có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Trẻ nhập viện vì ngộ độc vitamin
Mới đây một trẻ 6 tháng tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng quấy khóc, nôn, đi tiểu nhiều, có dấu hiệu mất nước nặng do ngộ độc vitamin D. Gia đình bệnh nhi cho biết trước khi nhập viện 3 tháng được người quen cho 2 lọ vitamin D3+K2 có hình thức bên ngoài giống nhau (1 lọ dành cho người lớn và 1 lọ dành cho trẻ em).
Tuy nhiên do nghĩ cả 2 lọ vitamin D này đều dùng được cho trẻ em nên đã cho trẻ uống loại dành cho người lớn. Sau 3 tháng uống vitamin D3+K2 đều đặn, trẻ bị tăng canxi máu toàn phần.
TS Thái Thiên Nam, phó trưởng khoa thận và lọc máu, Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết ngộ độc vitamin D là tình trạng hiếm gặp và khó chẩn đoán vì triệu chứng không đặc hiệu. Hằng năm, bệnh viện vẫn tiếp nhận một số trường hợp trẻ ngộ độc vitamin D, nguyên nhân thường do cha mẹ bổ sung vitamin D liều quá cao cho trẻ trong thời gian dài, không phải do chế độ ăn hay do tiếp xúc với ánh nắng.
“Việc cha mẹ tự ý cho trẻ sử dụng vitamin D quá liều có thể gây ngộ độc nhưng triệu chứng ngộ độc sẽ không xuất hiện ngay, mà sau khoảng một vài tháng hay thậm chí là một vài năm sau.
Khi bị ngộ độc vitamin D, trong máu của trẻ sẽ bị lắng đọng nhiều canxi dẫn đến tình trạng chán ăn, giảm cân, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, vôi hóa ống thận, suy thận…
Nếu không sớm phát hiện ra tình trạng này thì trẻ sẽ phải đối mặt với những biến chứng nặng nề, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng”, bác sĩ Nam cảnh báo.
Những ai cần thực phẩm bổ sung?
ThS Hoàng Thị Ái Nhi, phó trưởng khoa dinh dưỡng – tiết chế, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, cho biết thực phẩm bổ sung (supplemented food) là thực phẩm thông thường được bổ sung vi chất và các yếu tố có lợi cho sức khỏe như vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic, prebiotic và chất có hoạt tính sinh học khác. Có thể hiểu rằng thực phẩm bổ sung hỗ trợ thêm các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể.
Một khái niệm khác rộng hơn và bao gồm thực phẩm bổ sung mà nhiều người không phân định được đó là thực phẩm chức năng. Thực phẩm chức năng (functional food) dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh.
Bác sĩ Nhi cho hay thực phẩm bổ sung có thể được sản xuất dưới nhiều dạng như viên nén, viên nhộng, bột, dung dịch… và có thể mang lại những lợi ích, bổ sung các chất dinh dưỡng mà cơ thể có thể bị thiếu hụt hoặc không nhận đủ từ bữa ăn hằng ngày (chán ăn, kén ăn, bệnh lý, phụ nữ có thai, cho con bú…); hỗ trợ tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần, phòng ngừa bệnh tật…
Bác sĩ Nhi khuyến cáo bốn nhóm chính nên dùng những sản phẩm này.
Thứ nhất là người bệnh, người mới hết bệnh đang hồi phục sức khỏe; Nhóm người ăn uống kém, ăn kiêng, ăn chay, chế độ ăn theo tập quán/vùng miền không đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng; Nhóm người đang làm việc và học tập với cường độ cao, hoạt động quá sức, vui chơi du lịch ở nhiều nơi; Nhóm phụ nữ mang thai và cho con bú cần bổ sung nhiều loại chất dinh dưỡng để thai nhi có thể phát triển tốt nhất.
“Thực phẩm bổ sung không thay thế thuốc chữa bệnh, chỉ có tác dụng hỗ trợ sức khỏe bên cạnh chế độ ăn uống hằng ngày. Cần lưu ý thực phẩm tự nhiên và ăn uống khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng luôn là khuyến cáo hàng đầu. Việc lạm dụng thực phẩm bổ sung dài ngày có thể dẫn đến các tác dụng phụ ảnh hưởng sức khỏe lâu dài cho cơ thể”, bác sĩ Nhi nói.
Bác sĩ cũng lưu ý việc dùng thực phẩm bổ sung được quảng cáo và bán tràn lan trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
“Phụ huynh nên chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ với chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng và phong phú nguồn thực phẩm để hạn chế việc thiếu chất ở trẻ. Trước khi quyết định bổ sung loại thực phẩm hỗ trợ nào cho trẻ, cần có sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ”, bác sĩ Nhi khuyến cáo.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, cũng cho rằng thực tế nhiều phụ huynh vẫn nghĩ thuốc bổ có thể cho trẻ dùng để tăng đề kháng, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc lạm dụng thực phẩm bổ sung có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.
“Thiếu vitamin và khoáng chất thì không tốt cho sức khỏe, nhưng nếu thừa thì nguy hiểm không kém. Vì vậy khi sử dụng các loại thực phẩm bổ sung, vitamin… luôn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa nhi”, bác sĩ Dũng nói. Đồng thời khuyến cáo việc bổ sung vitamin không thay thế được thức ăn, mà vẫn phải ăn uống đầy đủ, cân bằng các nhóm thực phẩm.
Lưu ý khi dùng “thuốc bổ”
Bác sĩ Dũng khuyến cáo cha mẹ không nên tự ý mua các thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, các loại vitamin thuốc cho trẻ uống khi chưa có chỉ định hoặc tư vấn của bác sĩ. Khi cần dùng thuốc cho trẻ phải được bác sĩ tư vấn, không lấy thuốc của người lớn hoặc thuốc của trẻ khác cho trẻ dùng.
Các loại thuốc, vitamin cần để xa tầm tay của trẻ nhỏ hoặc để vào tủ riêng và có khóa; bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, đựng trong hộp, lọ kín, có nhãn mác, hướng dẫn sử dụng đi kèm và hạn sử dụng. Khi uống thuốc không nên để trẻ nhìn thấy vì trẻ sẽ bắt chước làm theo.
Cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần phải nắm rõ công dụng, liều lượng, đối tượng sử dụng của từng loại thuốc, vitamin và dùng đúng theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để tránh nhầm lẫn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.