Ho thật mạnh, sấy vào gáy để chữa đột quỵ?

Bài viết về cách chữa đột quỵ với hàng ngàn lượt chia sẻ trên mạng xã hội – Ảnh: D.L chụp lại màn hình

Thời gian gần đây, thời tiết miền Bắc lạnh kéo dài, số ca đột quỵ có xu hướng gia tăng, cùng với đó là nhiều phương pháp chữa đột quỵ được chia sẻ.

Trên mạng xã hội, một bài viết liên quan đến đột quỵ đang được chia sẻ rầm rộ. 

Một tài khoản có tên T.Đ.C viết: “Dạo này đột quỵ, tai biến nhiều quá. Giờ các bạn bỏ túi nè: Nạn nhân phải cố gắng ho thật mạnh khi cảm thấy tê và đau bất cứ cánh tay nào. 

Người thân lấy ngay cái máy sấy tóc làm ấm phần gáy lên đến đoạn đầu và toàn thân để đánh tan cục máu đông. Biết thì chích lễ để giải tỏa áp lực máu”.

Đánh tan cục máu đông bằng ho và máy sấy?

Chia sẻ về thông tin đang được lan truyền này, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam, cho hay khi xảy ra đột quỵ, việc sơ cứu đúng sẽ giúp nạn nhân tránh khỏi những di chứng nặng nề. Ngược lại, sơ cứu sai có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa tính mạng.

Bác sĩ Mạnh khẳng định việc ho mạnh hay sấy vào gáy đều không có tác dụng. Trong trường hợp bệnh nhân xảy ra đột quỵ, làm những việc này thậm chí còn làm chậm “giờ vàng” cấp cứu cho bệnh nhân.

“Mọi người đang bị hiểu lầm đột quỵ và cảm lạnh (trúng gió). Trường hợp cảm lạnh do đi ra ngoài về hoặc tắm lạnh xong có triệu chứng hơi đau đầu tê người do lạnh. Nếu dùng máy sấy làm ấm cơ thể sẽ có cảm giác dễ chịu hơn.

Còn nếu thực sự bệnh nhân bị đột quỵ não, nhồi máu cơ tim thì ho và sấy không có tác dụng. Thực hiện những mẹo này sẽ làm chậm thời gian cấp cứu, bệnh nhân tử vong nhanh hơn”, bác sĩ Mạnh phân tích.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, phó giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho hay trong đột quỵ, thời gian là não, càng mất nhiều thời gian, càng mất nhiều tế bào não.

“Cứ mỗi phút trôi qua, chúng ta mất hơn 1,9 triệu neuron và 13,8 tỉ synap thần kinh. Người bệnh càng đến sớm bao nhiêu thì cơ hội hồi phục càng cao bấy nhiêu. Nếu được điều trị trong vòng 90 phút từ lúc khởi phát, cứ khoảng 3 người được điều trị tái tưới máu, thì 1 người sẽ trở lại cuộc sống hoàn toàn bình thường.

Nếu tiết kiệm mỗi 15 phút, thì cơ hội người bệnh có cuộc sống tự lập tăng thêm 4%. Vì vậy, không để mất thời gian, chúng ta phải khẩn trương đưa người bệnh tới cơ sở y tế điều trị đột quỵ vì càng mất thời gian càng có nguy cơ mất đi người thân”, bác sĩ Dũng nhấn mạnh.

Những việc cần làm khi sơ cứu người bệnh đột quỵ não

Theo bác sĩ Dũng, điều quan trọng nhất khi phát hiện người bệnh có dấu hiệu đột quỵ là cần hành động nhanh nhất có thể để kịp đến viện trong giờ vàng. Trong trường hợp này, người thân cần:

– Lập tức gọi xe cứu thương, gọi 115 là lựa chọn thông minh nhất.

– Thông báo với cấp cứu 115 người bệnh bị “đột quỵ não”: Nhân viên cấp cứu 115 sẽ chuẩn bị phương tiện y tế phù hợp và lựa chọn bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ não là đích đến.

– Cho người bệnh nằm tư thế an toàn: nằm nghiêng một bên với đầu cao. Để giữ cho người bệnh thoải mái, hãy nới lỏng quần áo của họ. Tư thế này giúp tăng cường lưu lượng máu đến não.

– Theo dõi các triệu chứng và hỏi người bệnh: Hỏi về tất cả các loại thuốc mà người bệnh đang dùng? Ghi lại các thông tin: thời điểm đột quỵ, tiền sử bệnh tật của người bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim, tiểu đường… và bạn sẽ cung cấp cho nhân viên y tế sau đó.

Bác sĩ Dũng khuyến cáo thêm người nhà tuyệt đối không được cho bệnh nhân uống thuốc. Đột quỵ não có hai thể: chảy máu não và nhồi máu não. Vì vậy, khi không biết người thân bị mắc loại đột quỵ nào thì tuyệt đối không cho họ uống bất kỳ loại thuốc nào mà chưa rõ khuyến cáo, hay chỉ là truyền miệng.

Không cho người bệnh ăn hoặc uống bởi đột quỵ não thường không tỉnh táo và có thể có rối loạn nuốt. Do đó có thể dẫn đến tình trạng nghẹn, gây sặc dẫn đến suy hô hấp và hệ quả là viêm phổi, thậm chí tử vong.

Ngoài ra không cho người bệnh tự đi xe đến bệnh viện. Các triệu chứng đột quỵ não rất khó để nhận biết ngay từ đầu, và có thể tiến triển nặng hơn trong những giờ đầu. Nếu bạn phán đoán người bệnh đang bị đột quỵ não thì tuyệt đối không để người bệnh tự đi xe đến viện mà hãy gọi 115 và chờ sự giúp đỡ.

Thực hư phương pháp ho thật mạnh, sấy vào gáy để chữa đột quỵ? - Ảnh 2.Trời lạnh làm tăng ca đột quỵ, suy tim, hô hấp

Miền Bắc rét, miền Trung và miền Nam mưa lạnh, thời tiết làm nảy sinh nhiều bệnh do lạnh. Mấy ngày qua các bệnh viện liên tiếp nhận người bệnh đột quỵ, hô hấp, viêm mũi dị ứng, hen suyễn… Bệnh mùa lạnh tràn về theo không khí lạnh.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *