Người phụ nữ đặc biệt này truyền cảm hứng cho rất nhiều chị em phụ nữ ngày nay.
Đạo diễn Xuân Phượng có tên thật Nguyễn Thị Xuân Phượng, sinh năm 1929 tại Huế. Cuộc đời của đạo diễn Xuân Phượng được nhiều người nhận xét là một pho lịch sử thu nhỏ của Việt Nam thế kỷ 20 vì bà chứng kiến được nhiều sự kiện quan trọng của lịch sử như vua Bảo Đại đại diện vương triều cuối cùng trao ấn kiếm, có mặt chứng kiến chính quyền Việt Nam cộng hòa rời khỏi dinh Độc Lập…
Minh mẫn vui cười, làm việc quên mình
Sinh ra trong một gia đình quyền quý nhưng năm 1945, khi mới 16 tuổi, bà đã quyết định tham gia cách mạng. Bà từng làm nhiều nghề như kỹ thuật viên thuốc nổ, y tá, phóng viên, thông dịch viên, bác sĩ, dịch và thuyết minh phim tiếng Pháp, đạo diễn phim tư liệu chiến trường, chủ phòng tranh Lotus tại TP.HCM…
Sự dấn thân của bà đã được công nhận bằng Huân chương Bắc đẩu bội tinh do Chính phủ Pháp trao năm 2011 vì những cuộc triển lãm tranh và đóng góp không ngừng nghỉ cho tình hữu nghị Pháp – Việt.
Dù cuộc đời trải qua rất nhiều khó khăn, thăng trầm nhưng hiện ở tuổi 95 bà vẫn minh mẫn, tươi vui, cần mẫn, hăng say trong công việc.
“Bí quyết nào để đạo diễn Xuân Phượng dù ở tuổi 95 vẫn luôn tươi vui, minh mẫn, hăng say làm việc như vậy?”.
Với ánh mắt như đang cười, đạo diễn Xuân Phượng kể lại một câu chuyện cũ thay cho câu trả lời này.
Vào năm bà 85 tuổi, theo lời mời của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Tây Úc, bà đã nhận lời tổ chức triển lãm tranh bên đó.
“Chẳng có nơi nào đặc biệt như vùng đất này. Bên kia đường là rừng ngập mặn với những cây đước, còn bên này là một sa mạc. Nước Úc còn có nhiều bảo tàng đẹp, mấy ngàn loài động vật hoang dã… Chính những điều này đã hấp dẫn tôi, nên tôi đồng ý tổ chức triển lãm tranh ở đó”, bà Xuân Phượng kể lại.
Khi bà vừa đặt chân xuống vùng đất này, một nhà báo của một tạp chí lớn ở Tây Úc đã đến phỏng vấn bà.
Trong nhiều câu hỏi về triển lãm tranh, nhà báo này hỏi thêm: “Thưa bà, tôi được biết bà là một phụ nữ 85 tuổi mà sao bà dám đi từ Việt Nam sang Tây Úc – một vùng sa mạc hoang dã này để làm triển lãm tranh? Vì đối với nước tôi, những phụ nữ 85 tuổi chỉ về hưu, ngồi nhà và không làm gì!”.
“Tôi là một người chịu ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa Pháp. Tôi học trường Pháp từ bé, đọc rất nhiều sách của những nhà văn Pháp, nhà viết kịch Pháp. Trong đó có một nhà viết kịch Pháp mà tôi rất thú vị về cuộc đời của ông ấy từ lúc sáng tác đến lúc mất. Ông tên là Mô-li-e.
Nhiều người nhắc ông lớn tuổi rồi nhưng ông vẫn lên sân khấu diễn. Hôm đó, ông lên sân khấu diễn thì ông thấy mệt, ít lâu sau ông mất. Tôi xem ông là tấm gương cho mình.
Với tôi, được chết trong lúc đang làm việc là hạnh phúc, còn chết khi nằm trên giường bệnh là điều bất đắc dĩ không ai muốn. Cho nên tôi muốn làm việc đến lúc nào không thể làm việc được nữa” – đạo diễn Xuân Phượng trả lời.
Đất trời, cha mẹ đã cho mình một cuộc đời. Điều này vô cùng quý báu. Mình ra đời không bị tật nguyền, nói chuyện được, đi đứng được… Vậy phải sống làm sao cho cuộc sống thật có giá trị, xứng đáng với những gì mình đã được hưởng. Con người ta chỉ sống một lần trong đời, hãy sống sao cho thật xứng đáng.
Đạo diễn XUÂN PHƯỢNG
Lạc quan để sống thọ
Đạo diễn Xuân Phượng nhận định đến tuổi 95 mà bà vẫn đi lại, sinh hoạt bình thường, làm việc cần mẫn, vẫn tiếp tục có những kế hoạch… thì đầu tiên phải kể đến tinh thần lạc quan. Nhiều năm bà sống trong rừng, từng làm việc quần quật để nuôi ba con, cũng từng bị lao thận, bác sĩ nói khó sống được quá 2 năm…
Lúc đầu khi nghe tin đó, bà choáng váng cả người, nhưng sau đó bà nghĩ “mình không thể dễ dàng chết đi như vậy được”, “phải tìm cách gì đó để điều trị bệnh”. Và bà đã uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tập yoga để trị bệnh với tâm niệm “mình sẽ khỏi bệnh”.
Cuối cùng bà đã khỏi bệnh trước sự ngạc nhiên của bác sĩ điều trị. Sau kết quả trị bệnh ngoạn mục này, bác sĩ điều trị cho bà cũng bắt đầu tập yoga.
Theo bà, tinh thần lạc quan là rất quan trọng trong điều trị bệnh cũng như trong cuộc sống.
Năm bà 35 tuổi, bà bắt đầu tập yoga kết hợp với uống thuốc để điều trị bệnh. Sau khi bà đã khỏi bệnh, bà vẫn tập yoga đều đặn mỗi ngày cho đến tận bây giờ.
Bà điều tiết trong ăn uống, ăn nhiều rau, không ăn quá no, thường ăn tối trước 18h, hạn chế ăn ngọt, dầu mỡ…
“Tạo cho mình một góc yêu thích”
Trong căn hộ mà đạo diễn Xuân Phượng đang ở tại TP.HCM có một góc xinh xắn, đặt rất nhiều chậu cây hoa hồng với nhiều sắc màu khác nhau. “Không quan trọng là giàu hay nghèo, hãy tạo cho mình một góc yêu thích ngay trong nơi mình ở” – đạo diễn Xuân Phượng chia sẻ.
Từ thời còn trẻ, ở nhà tranh vách đất trong rừng nhưng bà vẫn luôn tìm những bông hoa rừng mang về nhà để tạo một góc yêu thích cho riêng bà.
“Mỗi người nên tạo cho mình một góc riêng yêu thích. Góc chừng 4 mét vuông cũng được. Nơi đó có thể có cái ghế, cái đèn, cuốn sách, những bông hoa hay pho tượng mình thích. Tạo một góc như thế để khi nào căng thẳng mình trở về với nhà riêng nhỏ nhỏ của mình.
Con người cần có những lúc tĩnh tại với mình. Cuộc sống cứ xô đẩy, nhưng nếu sống mà không có những lúc dừng lại với bản thân thì không sống thọ được”, đạo diễn Xuân Phượng chia sẻ.
Hằng ngày đạo diễn Xuân Phượng đều thưởng thức một ấm trà ngon, đọc sách, ngắm hoa, làm những việc bà yêu thích. Khoảng 19h30 bà tắt điện thoại, nghe nhạc cổ điển, xem những bộ phim mà bà yêu thích và đi ngủ vào một giờ cố định. Theo bà, bản thân mỗi người phải tìm sự bình yên, thư giãn cho chính mình.
Dù ở tuổi 95 nhưng kế hoạch của bà vẫn đầy ắp các sự kiện.
Vào tháng 7 này, đạo diễn Xuân Phượng sẽ ra mắt cuốn sách thứ hai mang tên Khách đi, khách đến. Trước đó, Gánh gánh…gồng gồng… là cuốn sách đầu tiên, là hồi ký kể lại cuộc đời bà. Cuốn sách đầu tiên của bà đã gây tiếng vang trên văn đàn ngay từ khi xuất bản và được trao giải thưởng văn học Hội Nhà văn năm 2020.
Cuốn sách thứ hai Khách đi, khách đến cũng là hồi ký viết về 32 năm bà đã giúp những họa sĩ trẻ, không có điều kiện phát triển được tài năng của mình. Sau hơn 30 năm, những họa sĩ này đã trưởng thành. Bà thấy vui, thấy mình làm được những việc có ích.
Sau khi ra đời cuốn sách thứ hai này, bà Xuân Phượng sẽ chuẩn bị viết cuốn sách thứ ba. Cuốn sách thứ ba sẽ viết về những ngày bà đi làm phim chiến trường. Bà dự tính đến năm bà 96 tuổi hoặc 97 tuổi sẽ ra cuốn hồi ký thứ ba này.
Trong khoảng thời gian viết sách, bà Xuân Phượng thích đến những nơi như Đà Lạt, Phan Thiết…. để có thể lên rừng xuống biển hưởng không khí trong lành. Sau đó, trong không gian tĩnh lặng, bà sẽ ngồi viết sách…
Bà khuyên mọi người: “Nếu có điều kiện, hãy đi đến những nơi mình yêu thích để thay đổi hẳn không gian sống, nhưng nếu không có điều kiện thì cũng vẫn có thể “dạo chơi ngay trong chính căn nhà của tôi” như nhà văn Nguyễn Tuân từng nói”.
Cũng trong tháng 7 này, bà Xuân Phượng ra Quảng Trị để tham dự một cuộc triển lãm tranh Hồi sinh. Tháng 8, một đoàn tài trợ ở Pháp sẽ về Việt Nam và cùng bà đi đến Thanh Hóa, Thái Bình… để tìm những thanh niên xung phong, những cô gái 16 tuổi vào cuộc chiến ở Trường Sơn năm ấy giờ là những ông bà già lang thang, cơ nhỡ cần được giúp đỡ.
Ở tuổi 95 nhưng cuộc sống của bà vẫn đầy ắp các sự kiện. “Còn sống ngày nào ở trên đời, tôi đều muốn sống có ích, giúp đỡ được mọi người”, bà chia sẻ.
Tiếp thêm năng lượng tích cực
Nhiều phụ nữ ở tuổi hơn 50, 60 cho hay khi nói chuyện với cô Xuân Phượng thấy cô 95 tuổi vẫn vui tươi, hăng say làm việc như vậy họ thấy được truyền cảm hứng, được tiếp thêm năng lượng tích cực.
Họ bỗng thấy cuộc đời của chính họ còn rất dài ở phía trước và cũng muốn làm được những việc gì đó có ích.